Áp lực đè nặng lên vai thế hệ kế thừa doanh nghiệp gia đình ở Trung Quốc

trung quốc 1.jpg

Khi gánh nặng của công việc kinh doanh và nhà máy đổ lên vai thế hệ kế thừa, những bạn trẻ này có trách nhiệm cho một tương lai mới của “Made in China”. Việc kỷ nguyên thống trị của hàng hoá Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển hay thậm chí tồn tại được hay không ngày nay phụ thuộc lớn vào khả năng và tầm nhìn của họ.

“CHANGERDAI” - THẾ HỆ KẾ THỪA

Sau gần 10 năm lăn lộn thử sức trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ bán đồ nội thất đến thương mại điện tử, Rachel He quyết định về nước vào năm 2021 và tiếp quản một nhà máy 30 năm tuổi do cha cô thành lập.

Lý do chính khiến cô quay trở lại là bởi cha mẹ cô nay đã ngoài sáu mươi, sức khỏe không còn cho phép họ toàn tâm toàn ý điều hành một nhà máy với khoảng 50 công nhân. “Tôi là đứa con duy nhất trong gia đình. Nếu tôi không quay lại, nhà máy liệu có thể tồn tại không?” cô gái 34 tuổi chia sẻ. “Vậy còn những nhân viên đã theo cha tôi hơn 10 hay 20 năm thì sao?”

Tọa lạc tại Phật Sơn, Quảng Đông, nhà máy của gia đình Rachel He là một phần của cụm công nghiệp mạ nhôm địa phương, vật liệu xây dựng vô cùng quan trọng cho hệ thống trần nhà trong các tòa nhà văn phòng và thang cuốn trong trung tâm thương mại.

Nhưng trước khi chính thức trở thành người chủ mới của nhà máy, Rachel hiểu rất ít về ngành và hoàn toàn không biết cách vận hành một nhà máy hay các đường hướng hoạt động, từ vấn đề về sổ sách kế toán cho đến chuyện tuyển dụng. Và giờ đây, sau hai năm bắt tay vào việc, Rachel He đang phải đối mặt với những thách thức kinh doanh đi kèm với suy thoái kinh tế nghiêm trọng và cô đang cố gắng cân bằng tất cả những điều đó trong khi thường xuyên phải tới bệnh viện để chăm sóc cha mình.

“Đôi khi tôi cảm thấy rất mệt mỏi, rất bối rối và không biết phải làm gì,” cô nói. “Tôi chỉ biết nhắn tin vào một nhóm trò chuyện để hỏi, từ cách thuê người mới, cách quản lý và thậm chí cả cách rút lui an toàn trong trường hợp nhà máy thực sự không thể tiếp tục hoạt động nữa”.

Nhóm trò chuyện mà Rachel He nhắc tới là một diễn đàn bao gồm hàng trăm “Changerdai”, có nghĩa là chủ sở hữu nhà máy thế hệ thứ hai, những người giống như He.

Với phạm vi trên khắp Trung Quốc và trải rộng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất có thể, những bạn trẻ thế hệ Millennial và Gen Z này đã kết nối với nhau thông qua các bài đăng và cuộc hội thoại trực tuyến kể từ khi “Changerdai” nổi lên như một cụm từ xu hướng vào đầu năm nay.

Cha mẹ của họ, xuất thân khiêm tốn, đã chèo lái doanh nghiệp của mình trong thời kỳ vàng son của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng có, hưởng lợi từ lĩnh vực bất động sản bùng nổ, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính những cơ sở sản xuất của họ - thường có quy mô vừa và nhỏ – đã là trụ cột giúp đất nước vươn lên thành “công xưởng của thế giới” và nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Sau ba thập kỷ, khi nói đến quyền thừa kế giữa các thế hệ, con cái của họ – những người hiểu biết về internet và thường có nền tảng giáo dục ở nước ngoài – có thể đứng ở một xuất phát điểm tốt hơn. Nhưng sự ưu ái của môi trường vĩ mô lại không còn như trước – thay vào đó là lĩnh vực bất động sản sa sút, nền kinh tế trong nước chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi vị trí, cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước đang phát triển khác và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Khi tỷ lệ văn phòng trống tiếp tục tăng ở các thành phố lớn của Trung Quốc và các dự án cơ sở hạ tầng mới vẫn bị đình trệ kể từ sau đại dịch, Rachel He không mấy lạc quan về triển vọng kinh doanh của nhà máy của cô. Giờ đây ở Quảng Đông, khi một dự án xây dựng mới ra mắt, sẽ có hàng trăm nhà máy như của Rachel cạnh tranh để đấu thầu, bất kể dự án có đem lại lợi nhuận hay không.

“Như cha tôi luôn nói, thời mà bạn có thể kiếm bộn tiền trong ngành này đã qua lâu rồi,” Rachel He than thở.

Tương lai mờ mịt phía trước khiến Rachel nhiều lần nghĩ đến việc buông tay, nhưng đó không phải là một lựa chọn thực sự khả thi khi cô nghĩ đến những người công nhân – nhiều người trong số họ đã chứng kiến cô lớn lên – và tầm quan trọng của nhà máy. “Bây giờ thật khó để tìm một công việc khác cho những người ở độ tuổi của họ. Tôi không thể bỏ rơi họ được”, Rachel nói.

Ở một nơi khác, suy thoái bất động sản tại Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến Zheng Shijie. Năm 2019, Zheng chính thức tiếp quản một nhà máy sản xuất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc từ người chú của mình. Nhà máy của Zheng chuyên sản xuất thiết bị phân phối điện, với giá trị sản lượng công nghiệp hàng năm lên đến 20 triệu nhân dân tệ (2,78 triệu USD). Nhưng hiện tại, các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán của nhà máy hiện có tổng giá trị chỉ ở mức 10 triệu nhân dân tệ, được tích lũy từ hợp đồng với một số đối tác công ty bất động sản trước thời điểm năm 2021.

“Chúng tôi đang bước vào thời kỳ hoàng hôn của ngành công nghiệp này. Toàn bộ thị trường đều đang thu hẹp lại”, doanh nhân 30 tuổi nói.

Một nguồn doanh thu khác cho công việc kinh doanh của Zheng đến từ các dự án của thành phố, nhưng số tiền từ những dự án này cũng đang giảm dần khi chính quyền địa phương – vốn chủ yếu dựa vào doanh thu bán đất – ngày càng thiếu tiền mặt.

Do áp lực dòng tiền ngày càng lớn, một số đồng nghiệp của Zheng gần đây đã buộc phải rời khỏi ngành. Đây là một sự tương phản rõ rệt so với thời điểm các thế hệ trước đổ xô vào lĩnh vực này.

“Có cảm giác đây là minh chứng cho câu nói “Chinh phục một lãnh thổ thì dễ nhưng bảo vệ nó thì thật khó”, Zheng chia sẻ.

Bên cạnh việc đưa doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan về kinh tế trong bối cảnh những bất ổn bên ngoài gia tăng, hầu hết các chủ nhà máy thuộc thế hệ thứ hai cũng rất muốn chứng tỏ bản thân, đặc biệt là với cha mẹ và những nhân viên lâu năm có kinh nghiệm hơn, những người có thể vẫn coi họ như "những đứa trẻ".

“Ở những công ty nhỏ như của chúng tôi, bất kỳ ai nhận được đơn đặt hàng mới đều đủ tiêu chuẩn làm ông chủ. Trước khi bạn có thể đưa ra những mệnh lệnh thực sự, không ai tôn trọng bạn”, Rachel He cho biết.

Mặc dù đã chính thức tiếp quản nhà máy, nhưng các nguồn lực và khách hàng cũ do thế hệ cũ thiết lập không đơn giản là cứ thế kế thừa. Rachel He cần phải nỗ lực rất nhiều để tìm được những khách hàng mới của riêng mình.

“Thực tế, tôi không nghĩ chúng tôi là “Changerdai” mà là những doanh nhân thế hệ đầu tiên”, Rachel bày tỏ.

GettyImages-1098241684-1024x682.jpg

THỜI CỦA “MADE IN CHINA” LIỆU ĐÃ QUA?

Đối với các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu, thị trường năm nay cũng chưa thể khởi sắc, vì suy thoái kinh tế toàn cầu đã kìm hãm nhu cầu quốc tế đối với các sản phẩm Trung Quốc, bên cạnh xu hướng đa dạng hoá chuỗi cung ứng gia tăng của các nước phương Tây – đặc biệt là Mỹ.

Xu hướng này đặc biệt rõ ràng đối với ngành may mặc, khi các công ty thời trang Mỹ đang tìm cách hạn chế “sự tiếp xúc với Trung Quốc” và chuyển đơn đặt hàng sang các đối thủ cạnh tranh ở châu Á, theo ông Sheng Lu, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Thời trang & Trang phục tại Đại học Delaware phân tích.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tính theo giá trị, tỷ trọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm xuống 18,3%, thấp hơn nhiều so với mức gần 30% vào năm 2019, theo số liệu từ Văn phòng Dệt may thuộc Bộ Thương mại Mỹ. Trong khi đó, tỷ trọng trong tổng nhập khẩu từ Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ và Campuchia đạt mức cao mới 44,3%, tăng từ 37,1% của năm 2019.

Đối với Jenny Jiao, 27 tuổi, những con số này là một báo hiệu cấp bách thúc giục cô phải phải nhanh chóng trưởng thành để chia sẻ gánh nặng gia đình. Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins và có một thời gian ngắn làm việc trong lĩnh vực tài chính, Jiao quyết định quay trở lại nhà máy may vest của cha tại tỉnh Liêu Ninh vào cuối năm ngoái, ngay trước khi một công ty thương mại chuyên cung ứng cho thị trường Mỹ phá vỡ hợp đồng 200.000 bộ quần áo mỗi năm với công ty gia đình cô. Hợp đồng này cũng chính là lí do mà cha cô đã xây dựng một cơ sở mới và thuê thêm 200 công nhân.

jenny jiao.jpg
Jenny Jiao, 27 tuổi, làm việc tại nhà máy may mặc của gia đình ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

“Đối tác của chúng tôi nói rằng nếu họ không chuyển nguồn cung ứng sang Campuchia, khách hàng của họ ở Mỹ sẽ chấm dứt hợp tác với họ”, Jiao tiết lộ.

Với những đơn đặt hàng bị mất và các khoản nợ lớn cho cơ sở mới, Jiao cảm thấy áp lực đè nặng lên vai. Nếu khoản vay không thể trả được, có nghĩa là những nỗ lực miệt mài của cha cô trong hai thập kỷ qua sẽ trở nên vô nghĩa.

“Thành thật mà nói, trong năm hoặc sáu năm tới, nếu chúng tôi có thể tồn tại thì đó sẽ là một thành công”, Jia chia sẻ.

Gần đây, Jiao và cha thống nhất được vai trò mới của mỗi người: Cha cô sẽ tiếp tục tập trung vào công việc quản lý hàng ngày của hai nhà máy may mặc, để con gái có thể thoải mái thử nghiệm những điều mới mẻ.

Cho đến nay, các thử nghiệm được Jiao đề xuất bao gồm tiếp cận trực tiếp với các thương hiệu nước ngoài – bỏ qua các công ty thương mại ở giữa và mở rộng tiếp xúc với thị trường nội địa bằng cách quảng cáo trên Xiaohongshu – một ứng dụng phong cách sống phổ biến với giới trẻ Trung Quốc.

Trong khi đó, thông qua việc tham gia các khóa học thiết kế trang phục, cô đang cố gắng để mang lại những thiết kế độc lập - từ tạo mẫu cho đến mua sắm nguyên vật liệu - trái ngược với phương thức sản xuất theo hợp đồng cũ, trong đó các nhà máy chỉ đơn giản làm theo yêu cầu của khách hàng và sử dụng các vật liệu được cung cấp sẵn.

“Mọi hướng đi đều có rào cản riêng. Cuối cùng, tôi chỉ muốn bán được nhiều quần áo hơn và mang về nhiều đơn đặt hàng hơn. Tôi không muốn các nhà máy phải đóng cửa trong vòng kiểm soát của mình”, Jiao nhấn mạnh.

Đối với nhiều lĩnh vực sản xuất truyền thống ít liên quan đến đổi mới công nghệ, việc giữ giá thấp luôn là giải pháp tốt nhất để giành thị phần, nhưng nhiều doanh nghiệp địa phương cũng đang khám phá phương thức cải cách và nâng cấp.

Tuy nhiên, một quyết định như vậy chưa bao giờ là dễ thực hiện. Đối với các nhà sản xuất nhỏ hơn, khi khả năng chống lại rủi ro yếu hơn, thì chi phí thử nghiệm và sai sót lại cao hơn nhiều.

Nhà máy của anh Zheng Shijie, chuyên sản xuất thiết bị phân phối điện ở Vũ Hán, đã nghĩ đến việc tận dụng làn sóng năng lượng xanh và chuyển sang các sản phẩm như trụ sạc xe điện, nhưng cuối cùng đã quyết định giữ nguyên hiện trạng trong khi tiếp tục đánh giá khả năng thay đổi.

“Chuyển đổi đồng nghĩa với nhiều rủi ro và thách thức hơn. Điều kiện kinh tế tổng thể hiện không tốt và chúng tôi có dòng tiền rất eo hẹp. Chuyển sang sản xuất một sản phẩm mới đồng nghĩa với nhiều chi phí cố định hơn chẳng hạn như chi phí cho thiết bị mới trong giai đoạn đầu. Áp lực là rất cao”, anh Zheng giải thích.

Gloria Liang, 27 tuổi, may mắn hơn khi gia nhập nhà máy gia công tấm kim loại của cha, vốn có một lượng khách hàng ổn định với doanh thu hàng năm vào khoảng vài chục triệu nhân dân tệ. Nhưng Liang không hài lòng với hiện trạng và tin rằng cô phải mang lại sinh khí mới cho công ty, khi mà sớm muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản.

Gloria Liang.jpg
Gloria Liang, 27 tuổi, nỗ lực quảng cáo các sản phẩm thép không gỉ của nhà máy gia đình ở tỉnh Thâm Quyến, Trung Quốc

Với bằng thạc sĩ về đổi mới và kinh doanh của Đại học Bristol, Gloria bắt đầu với việc quảng bá nhà máy và sản phẩm trên mạng xã hội. Chỉ trong vòng vài tháng, Gloria Liang đã trở thành một trong những người có tầm ảnh hưởng trên Xiaohongshu đại diện cho cộng đồng nhà máy trẻ, nhờ đó công ty gia đình đã mở rộng được hoạt động kinh doanh đồ nội thất bằng thép không gỉ trên những nền tảng đặt hàng trực tuyến.

So với thế hệ của cha cô, vốn chú trọng nhiều hơn vào số liệu bán hàng, Liang tin rằng khả năng cạnh tranh trong tương lai của một nhà máy phụ thuộc vào sự đổi mới – nghĩa là các sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ tinh tế không thể dễ dàng sao chép: “Chúng tôi không chỉ muốn sản xuất mà còn phải là sản xuất thông minh”.

Cũng từng đi du học và ở tuổi 27, Sun Chuanzhen đang tìm cách để quảng cáo trực tuyến các sản phẩm chất kết dính hóa học của cha mình để thu hút người mua nước ngoài. Không giống như các lĩnh vực sản xuất truyền thống khác, ngành công nghiệp hóa chất phát triển của Trung Quốc, luôn đạt doanh thu lớn nhất thế giới kể từ năm 2011, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi quá trình di dời chuỗi công nghiệp toàn cầu đang diễn ra. Lý do là bởi áp lực chi phí đối với hóa chất là rất lớn và Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ hóa chất lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Sun đã chủ động dành nhiều nỗ lực hơn để phát triển các công thức chất kết dính tiên tiến và thân thiện với môi trường kể từ khi quay trở lại làm việc tại nhà máy có trụ sở tại Sơn Đông của gia đình vào hồi đầu năm nay, khi cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang thắt chặt các yêu cầu về môi trường đối với ngành hoá chất.

Bằng cách học theo các kinh nghiệm tiên tiến và thực hiện chuyển giao năng lực sản xuất từ phương Tây, ngành công nghiệp hóa chất của Trung Quốc đã tích lũy được nguồn dự trữ kỹ thuật, vốn và tài năng trong khoảng ba thập kỷ, nhưng điều đó không có nghĩa là vị thế này sẽ không thể lay chuyển.

“Vấn đề bây giờ là gì? Đó là, một số quốc gia mới nổi, như các quốc gia ở Đông Nam Á, Châu Mỹ Latin và thậm chí cả Châu Phi, cũng muốn xây dựng các ngành công nghiệp hóa chất của riêng mình. Nếu chúng tôi không tiến lên một bước, chắc chắn sẽ sớm bị họ thay thế. Đây là một cuộc khủng hoảng của toàn bộ lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi cần tiếp tục phát triển những sản phẩm tốt hơn dựa trên những lợi thế hiện có”, Sun Chuanzhen luôn tự nhắc nhở bản thân.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…