Trung Quốc đã kết thúc các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt vào tháng 12/2022 và sự phục hồi kinh tế đến nay đang dần mất đà. Tăng trưởng kinh tế 6,3% trong quý 2/2023 đánh dấu tốc độ tăng trưởng chỉ vào khoảng 0,8% so với quý 1, chậm hơn so với tốc độ 2,2% hàng quý được ghi nhận trong ba tháng đầu năm.
Lĩnh vực bất động sản phải vật lộn để phục hồi, trong khi xuất khẩu sụt giảm do nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Một trong những thách thức lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, theo ông David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi tại Viện Kinh tế Mastercard, là vấn đề nhân khẩu học: “Nếu quay trở lại 10, 20 năm trước ở Trung Quốc, rất nhiều diễn biến tăng trưởng đã hoàn toàn đến từ việc có nhiều người xuất hiện hơn mỗi năm – đó là sự đóng góp của lao động chứ không phải vốn hay năng suất”.
Trong bốn thập kỷ qua, mô hình thâm dụng lao động (một tỷ lệ lớn công dân trong độ tuổi lao động) đã giúp Trung Quốc chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp với mức sống và thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi nhân khẩu học hiện nay đã đặt ra một dấu hỏi về con đường tăng trưởng cũng như tiềm năng thị trường và lực lượng lao động trong tương lai.
Tuy nhiên, xu hướng suy giảm dân số trong những năm trở lại đây đang là áp lực đối với nền kinh tế thứ hai thế giới. Lực lượng lao động già hóa và tình trạng thiếu thành viên trẻ tuổi do dân số giảm có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động mà họ cần để đáp ứng nhu cầu. Vì một số doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào lao động chân tay hơn, do vậy một số ngành nghề nhất định sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình là sản xuất và xây dựng. Sự suy giảm lực lượng lao động cũng sẽ dẫn tới các mức gia tăng chi phí lao động, khiến các công ty Trung Quốc khó cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Về khía cạnh thị trường, dân số giảm có thể dẫn đến quy mô thị trường bị thu hẹp với ít khách hàng hơn, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, có khả năng gây tổn hại đến tăng trưởng kinh doanh của đất nước. Một xã hội già hóa có thể dẫn đến việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng, do người già ít có xu hướng tiêu tiền hơn người trẻ – hay còn được gọi là “hiệu ứng cơ cấu tuổi”.
Mặc dù vậy, nếu nhìn vào mặt tích cực, việc giảm quy mô dân số có thể nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức thu nhập khả dụng, từ đó giúp thúc đẩy một thị trường nội địa vững mạnh. Chính phủ Trung Quốc cũng đã hướng nền kinh tế hướng tới thị trường nội địa với chiến lược lưu thông kép và đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Mặc dù khó có thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ sớm đạt được GDP bình quân đầu người ngang bằng với Mỹ (Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn Mỹ khoảng 6 lần), nhưng vẫn còn nhiều cơ hội đáng kể cho hoạt động kinh tế, tài sản hộ gia đình và mức tiêu dùng địa phương.
Trung Quốc dự kiến sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào ngày 9/8, cung cấp thêm manh mối về quỹ đạo phục hồi của đất nước. Trong đó, du lịch nội địa được cho là điểm sáng hiếm hoi. Theo Bộ Văn hóa và Du lịch, cư dân thành thị đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu cho du lịch trong nửa đầu năm nay so với một năm trước lên mức 1,98 nghìn tỷ nhân dân tệ (280 tỷ USD).
“Sự phục hồi du lịch nội địa ở Trung Quốc, chứng kiến lượng người tham gia các dịp lễ tăng lên ngang bằng hay thậm chí vượt mức của năm 2019. Nhưng nhìn chung chi tiêu bình quân đầu người vẫn chưa đạt được như kỳ vọng”, nhà kinh tế David Mann nhận định.