Ông Zhu Tainiqi, nhà đầu tư mạo hiểm một thời, đang chứng kiến sự gia tăng của những cá nhân muốn bán túi Hermes Birkin hoặc đồng hồ Rolex để huy động tiền mặt, cũng như sự quan tâm tăng vọt từ những người mua sắm đang phải “thắt lưng buộc bụng”. “Ngày càng có nhiều người hưởng ứng việc bán các món đồ xa xỉ của mình để lấy một khoản tiền và phía người mua nhận thấy rằng họ có thể kiếm được món hời.”
Ông Zhu tiết lộ, số lượng người ký gửi hàng của ZZER cho đến nay đã tăng 40% vào năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Nền tảng hiện có 12 triệu thành viên và dự kiến sẽ bán được 5 triệu sản phẩm cao cấp trong năm nay.
Xu hướng này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực hàng xa xỉ trị giá 74 tỷ USD của Trung Quốc, nơi phân khúc hàng xa xỉ đã qua sử dụng chậm phát triển hơn so với các quốc gia khác như Nhật Bản và Hoa Kỳ do sở thích với cái mới và lo ngại mua nhầm hàng giả.
Nó có thể gây ảnh hưởng đến các chiến lược tập trung vào Trung Quốc của các nhà sản xuất hàng xa xỉ lớn trên thế giới, những người đang vật lộn với nhu cầu giảm ở thị trường chủ chốt.
"Tôi nghĩ rằng vì sự quan tâm [tới đồ đã qua sử dụng] ở Trung Quốc ... có thể làm kim chỉ nam cho một số thương hiệu suy nghĩ về cách họ sẽ xử lý thị trường bán lại và họ sẽ đóng vai trò gì trong toàn bộ quá trình", Iris Chan, đối tác và trưởng bộ phận phát triển khách hàng của công ty tư vấn Digital Luxury Group.
Công ty tư vấn iResearch cho biết vào cuối năm ngoái, thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 30 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 8 tỷ USD vào năm 2020. Các ước tính mới từ năm nay vẫn chưa được công bố.
Một nhân viên văn phòng tại Trung Quốc, cô Wang Jianing đang tìm cách mua các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. "Mức độ chi tiêu của tôi chắc chắn sẽ giảm bớt (trong năm nay), nhưng tôi vẫn thích những gì tôi thích và tôi không thể kiềm chế mong muốn mua nó", cô nói với Reuters khi đứng trước cửa kính trưng bày những chiếc túi Louis Vuitton và Gucci tại cửa hàng của ZZER.
ZZER đang dựa trên những cảm xúc như của những khách hàng như Wang để tăng trưởng. Công ty, khởi đầu là một nền tảng trực tuyến vào năm 2016, đã bắt đầu mở các cửa hàng thực tế ở Thượng Hải và Thành Đô vào năm ngoái và hiện đang tìm kiếm thêm không gian cửa hàng ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến.
Ngoài ZZER, các nền tảng hàng đầu khác của địa phương gồm có Feiyu, Ponhu và Plum. Mỗi đơn vị này đều đã đầu tư hàng chục triệu USD vào năm 2020 và 2021 nhằm cải thiện các phương pháp chứng thực hàng hoá, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và trong một số trường hợp, chuyển từ mô hình chỉ trực tuyến sang trực tuyến-ngoại tuyến.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường bán lại hàng xa xỉ của Trung Quốc hiện tại vẫn do các công ty trong nước thống trị. Các công ty quốc tế như Vestiaire Collective và The RealReal vẫn chưa thâm nhập thị trường Trung Quốc đại lục và xác nhận với Reuters rằng họ không có kế hoạch làm như vậy ngay lập tức.