Bangladesh: Cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp may mặc trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Sự bế tắc do Covid-19 gây ra những tác động vô cùng tàn khốc đối với Bangladesh, nơi nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào ngành may mặc.

Cuối tháng 3, khi Fatema Akther đến nhà máy may mặc Alif Casual Wear nơi cô đã làm việc trong năm 5 năm, cô không ngờ rằng đó là ngày làm việc cuối cùng của mình. 

“Trưởng phòng đã đến và nói rằng tôi không phải làm việc nữa,” Akther, 25 tuổi, chia sẻ. Cô cho biết, công ty đã quyết định đóng cửa nhà máy khiến bản thân cô và nhiều người đồng nghiệp khác không có nguồn thu nhập nào trong tháng 3 vừa qua. 

Đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà máy rơi vào tình trạng hỗn loạn, bế tắc và buộc phải sa thải hơn một nửa trong số gần 4,1 triệu công nhân may mặc của đất nước, theo ước tính của Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA). Giống như Akther, hầu hết trong số họ là phụ nữ và khoảng tiền lương 110 USD họ kiếm được hàng tháng thường là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. 

“Gia đình tôi sống dựa vào nguồn thu nhập duy nhất của tôi,” Akther cho biết về gia đình gồm hai vợ chồng và con nhỏ. “Tôi không biết gia đình mình giờ sẽ ra sao.”

Tình trạng đại dịch bệnh, phong toả toàn cầu và gia tăng thất nghiệp đã khiến nhu cầu đối với nhiều nhóm mặt hàng không còn, trong đó bao gồm cả quần áo. Điều này dẫn đến việc các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ quốc tế phải huỷ bỏ hoặc đình chỉ một số lượng hợp đồng có giá trị ước tính lên đến 3,17 tỷ USD (chỉ riêng tại Bangladesh), theo BGMEA. 

Sự bế tắc trong kinh doanh đã phơi bày một rạn nứt giữa những thương hiệu lớn và chủ sở hữu các nhà máy mà họ hợp tác. Các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh nói rằng họ đã bị “bỏ rơi”, đẩy nhà máy và công nhân rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. 

Rubana Huq - chủ tịch BGMEA cho biết, tại Bangladesh, có rất ít điều khoản có thể giúp các nhà máy truy đòi pháp lý để yêu cầu những nhà bán lẻ, thương hiệu quốc tế thực hiện đầy đủ các điều khoản hợp đồng. “Tôi không muốn bất kỳ khoản tài trợ này, tôi không muốn bất kỳ loại từ thiện nào. Tôi chỉ muốn tìm lại được công lý cho những người công nhân của chúng tôi.” 

Sự gián đoạn này gây ra những tác động vô cùng tàn khốc đối với nền kinh tế Bangladesh, nơi phụ thuộc hoàn toàn vào ngành may mặc để nền kinh tế có thể hoạt động tốt. Các sản phẩm may mặc chiếm khoảng 80% xuất khẩu của Bangladesh, và đã tạo ra hơn 30 tỷ USD vào năm ngoái - trở thành nhà xuất khẩu hàng hoá lớn thứ hai thế giới, theo Cục Xúc tiến Xuất khẩu Bangladesh. Tổng cộng, ngành công nghiệp may mặc đã đóng góp 16% GDP cho đất nước. 

Vai trò của những thương hiệu quốc tế

CNN Business đã liên hệ với một số thương hiệu quốc tế lớn, những đơn vị có hoạt động kinh doanh với các nhà máy tại Bangladesh, cho yêu cầu bình luận. Một số thương hiệu như H&M, Walmart, Primark … cho biết, họ đã đồng ý thanh toán một phần hoặc toàn bộ số hàng hoá mà họ đã đặt hàng. “Chúng tôi tôn trọng các cam kết đối với những sản phẩm đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình sản xuất. Đai diện của công ty cũng đã làm việc với các nhà cung cấp trong từng trường hợp cụ thể để giải quyết bất kỳ ngoại lệ nào và cũng phát triển những giải pháp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực,” Walmart chia sẻ. Công ty ước tính rằng “các ngoại lệ” lên tới gần 2% đơn hàng may mặc hàng năm của họ ở Bangladesh. 

Nhưng một số thương hiệu khác, bao gồm cả Gap (GPS), có thể đã không đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào, bà Aruna Kashyap - cố vấn cấp cao trong bộ phận Nhân quyền của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tiết lộ. “Những công nhân này thực sự rất nghèo. Họ đã làm việc trong chuỗi cung ứng và hoạt động cho những thương hiệu này trong nhiều tháng hay thậm chí là nhiều năm. Và trong thời điểm khủng hoảng như hiện tại, các thương hiệu lớn và nhà bán lẻ cần phải tôn trọng và tuân thủ đúng trách nhiệm của họ.” 

Khi được hỏi liệu công ty có trả tiền cho hàng hoá được đặt may từ các nhà máy ở Bangladesh hay không, Gap đã trả lời CNN, cho biết công ty “đang đưa ra quyết định dựa trên lợi ích tốt nhất của nhân viên, khách hàng, và đối tác… cũng như đảm bảo cho tình hình của doanh nghiệp về lâu dài”, đồng thời nhắc tới việc cắt giảm chi phí sau khi phải đóng cửa nhiều cửa hàng tại Bắc Mỹ và châu Âu. “Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp lâu năm để đánh giá tốt nhất biện pháp giúp tất cả mọi người có thể cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này,” công ty cho biết. 

Tuy nhiên, nhiều đơn vị khác có kết nối với ngành bán lẻ tại Mỹ đã chỉ ra rằng đại dịch cũng khiến họ bị “tê liệt hoàn toàn”. Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 3 đã sụt giảm 8,7% - mức giảm trong tháng tồi tệ nhất trong lịch sử. “Đó là lí do vì sao chúng tôi cần chính phủ hợp tác và các tổ chức tài chính toàn cầu hỗ trợ để đảm bảo có đủ nguồn cung tài chính nhằm giữ cho chuỗi cung ứng có thể tiếp tục - bảo vệ nguồn lao động cho các công nhân,” Steve Lamar, Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ lên tiếng. “Các biện pháp thông thường như trì hoãn thanh toán thuế quan và tài trợ các chương trình cho vay đối với doanh nghiệp là hai bước đi mà tất cả các chính phủ nên thực hiện.”

Nguồn: CNN

Có thể bạn quan tâm