Các hãng xe Đức thua đau trước đối thủ Trung Quốc trong cuộc cách mạng xe điện

Khi ngành công nghiệp xe hơi đón chào cuộc cách mạng xe điện, các hãng xe Đức đang bị tụt lại phía sau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
BYD.jpeg

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất ô tô Đức đã thống trị ngành công nghiệp với những thương hiệu nổi tiếng, luôn mang tới những sản phẩm xuất sắc, hấp dẫn của người tiêu dùng. Nhưng khi lĩnh vực này đón chào cuộc cách mạng xe điện, các hãng xe Đức đang bị tụt lại phía sau.

TRẬN CHIẾN

Gần một thập kỷ sau khi thế giới chuyển sang sử dụng phương tiện chạy điện, và mặc dù đã đầu tư hàng tỷ USD, VW, BMW, Mercedes và các hãng khác vẫn không thể làm giảm đà tăng trưởng của Tesla. Các hãng này đang hợp tác với Big Tech thay vì phát triển phần mềm của riêng mình để hỗ trợ hệ thống thông tin và các tính năng tự lái. Và họ đang tụt lại phía sau các công ty mới nổi của Trung Quốc ở khía cạnh đổi mới sắc nét hơn với các dòng xe điện, mất vị thế tại thị trường quan trọng châu Á.

Thế trận phòng thủ của ngành được thể hiện đầy đủ trong tuần này tại triển lãm xe hơi IAA Mobility ở Munich, một trong những hội chợ thương mại ô tô lớn nhất thế giới. Tesla, công ty dẫn đầu thị trường xe điện, lần đầu tiên có mặt tại triển lãm sau nhiều năm. Một số thương hiệu Trung Quốc mới cũng mang tới những mô hình thu hút được sự chú ý của du khách.

Từng là nơi giới thiệu sức mạnh ô tô của các tập đoàn Đức, triển lãm ô tô IAA Mobility vốn được tổ chức hai năm một lần nêu bật bài học rằng các đối thủ xe điện mới đến từ Trung Quốc không chỉ gây áp lực cho các nhà sản xuất ô tô Đức và châu Âu thông qua chi phí thấp hơn mà còn làm tăng độ phức tạp về công nghệ, mở rộng khoảng cách mà các nhà sản xuất lâu đời đang cố gắng thu hẹp.

Triển lãm này cũng là một minh họa sống động về những thách thức mới mà nước Đức phải đối mặt. Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là động lực tăng trưởng chính từ lâu, quốc gia này hiện đang tụt hậu do hàng thập kỷ đầu tư dưới mức, lạm phát, lãi suất tăng và giá năng lượng tăng mạnh trong năm ngoái.

Oliver Blume, giám đốc điều hành của tập đoàn xe hơi VW, chủ sở hữu của nhiều thương hiệu bao gồm Porsche, Audi, Skoda, Seat, Bentley và Lamborghini, nói với các phóng viên bên lề triển lãm: “Có một số lĩnh vực mà chúng tôi sẽ phải bắt kịp”.

im-846728.jpg
Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Đức và Mỹ về số lượng tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như pin, Phần mềm lái xe ô tô và các tính năng khác.

Tại Trung Quốc, nơi VW đã mất thị phần vào tay các đối thủ trong nước, gã khổng lồ ô tô Đức gần đây đã mua cổ phần của XPeng, một công ty xe điện mới nổi của Trung Quốc, để lấp đầy cái mà Blume gọi là một số “điểm trắng” trong công nghệ xe điện dành cho người tiêu dùng Trung Quốc. VW và XPeng hiện sẽ cùng phát triển công nghệ xe điện.

Trong một nghiên cứu về đổi mới ngành công nghiệp ô tô, Stefan Bratzel, giám đốc Trung tâm Quản lý Ô tô ở Đức cho biết năm ngoái, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Đức và Mỹ về số lượng tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực như pin, Phần mềm lái xe ô tô và các tính năng khác.

Bratzel nói rằng sự đổi mới của Trung Quốc đã làm thay đổi lợi thế cạnh tranh trên thị trường ô tô trong nước theo hướng có lợi cho các công ty trong nước và điều tương tự có thể xảy ra ở châu Âu. Theo ông, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp ô tô Đức là thiếu năng lực phần mềm và thực tế là ô tô của nước này đắt hơn.

Ông nói: “Sự phát triển này tiềm ẩn rủi ro dễ bị tổn thương cao đối với các nhà sản xuất ô tô Đức”.

Chỉ vài năm trước, các nhà sản xuất ô tô Đức đã “chốt cửa” để ngăn các công ty công nghệ lớn như Apple và Google phát triển ô tô. Nhưng sau khi nỗ lực phát triển phần mềm nội bộ của riêng mình thất bại, họ hiện đang phải hợp tác với các công ty công nghệ để tạo ra phần mềm trên xe của mình, chẳng hạn như hệ thống thông tin giải trí, tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến và quản lý pin để giúp xe điện của họ hoạt động hiệu quả hơn.

Xem xét mối đe dọa của Trung Quốc đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống trên thế giới, các nhà nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư UBS đã tháo rời một chiếc xe do BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc sản xuất theo doanh số bán ra.

UBS cho biết BYD có thể sẽ có lợi thế về lâu dài khi chi phí rẻ hơn khoảng 25% so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Các nhà phân tích của UBS cho biết sau khi các thương hiệu Trung Quốc lật ngược tình thế cạnh tranh nước ngoài tại Trung Quốc, “chúng tôi tin rằng BYD và các OEM (nhà sản xuất) hàng đầu khác của Trung Quốc sẽ chinh phục thị trường thế giới bằng xe điện công nghệ cao, chi phí thấp dành cho đại chúng”.

Phát hiện của ngân hàng UBS đã khiến cổ phiếu các hãng ô tô châu Âu sụt giảm ngay khi chúng được công bố vào ngày 1/9. Một số ngân hàng đầu tư kể từ đó đã nâng hạng cổ phiếu BYD.

Luca de Meo, Giám đốc điều hành của hãng sản xuất ô tô Pháp Renault và trước đây là giám đốc điều hành lâu năm của tập đoàn VW, nói với các phóng viên tại triển lãm xe hơi Munich rằng châu Âu phải tham gia vào “một trận chiến” để chống lại mối đe dọa từ các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc.

Ông nói: “Rõ ràng họ (các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc) rất cạnh tranh trong chuỗi giá trị ô tô điện. Tôi nghĩ họ đi trước chúng ta một thế hệ”.

Theo ông Luca De Meo, nhà sản xuất ô tô Pháp sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào công nghệ mới, nhà máy pin và các siêu ‘gigafactory’. Hãng cũng kỳ vọng thương hiệu xe điện thuần túy mới, Ampere, sẽ giúp họ có lợi thế cạnh tranh trong thị trường truyền thống.

“Trên thực tế, một trong những cam kết mà chúng tôi đang thực hiện với Ampere là cắt giảm 40% chi phí sản xuất. Điều này liên quan đến việc đầu tư công nghệ và phát triển kỹ thuật sản xuất”, De Meo nói với Annette của CNBC. “Chúng tôi có cơ sở để làm điều đó, song sẽ mất một thời gian vì các thương hiệu Trung Quốc đã bắt đầu từ sớm. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến và chúng tôi sẵn sàng tham gia”.

Klaus Rosenfeld, Giám đốc điều hành của Schaeffler, công ty công nghiệp Đức, cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc xuất hiện tại triển lãm chứng tỏ Trung Quốc đã tiến xa đến mức nào trong việc phát triển công nghệ ô tô. “Những chiếc xe họ trưng bày ở đây đều là xe thật. Những chiếc xe BYD là đối thủ cạnh tranh thực sự”, ông nói.

Sau khi nhanh chóng vươn lên dẫn đầu ở Trung Quốc, BYD hiện đang hướng tầm nhìn sang châu Âu.

Phát biểu với các phóng viên bên lề triển lãm ô tô, Michael Shu, Giám đốc khu vực châu Âu của BYD, cho biết công ty đang tiến gần đến việc hoàn tất kế hoạch sản xuất ô tô ở châu Âu. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ có quyết định vào cuối năm nay”.

Shu cho biết BYD đang nghiên cứu chặt chẽ sự chấp nhận của người tiêu dùng châu Âu đối với công nghệ của mình và đang cung cấp các mẫu xe với nhiều mức giá khác nhau, từ chiếc Dolphin giá rẻ mà theo ông được bán với giá khoảng 30.000 euro - tương đương khoảng 32.400 USD - ở châu Âu, cho đến những mẫu giá cao hơn, có thể có giá khoảng 60.000 euro.

Ông nói: “Chúng tôi đang đề cập đến một phạm vi rộng vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần hiểu rõ thị trường”.

MG, cựu nhà sản xuất ô tô thể thao của Anh, thuộc sở hữu của SAIC Motor của Trung Quốc - một đối tác của VW tại Trung Quốc đã bán được 115.000 ô tô, chủ yếu là xe điện, ở châu Âu trong sáu tháng đầu năm, nhiều hơn cả năm 2022. Jan Oehmicke, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của MG tại Đức, Áo và Thụy Sĩ, cho biết công ty hiện đang trên đà bán được hơn 200.000 xe trong cả năm.

Ông nói: “Chúng tôi là thương hiệu ô tô phát triển nhanh nhất ở Đức”, đồng thời cho biết thêm rằng công ty hiện đang tìm kiếm địa điểm cho một nhà máy sản xuất ở châu Âu.

​​XPeng, hiện đã bán sản phẩm ở Na Uy và Hà Lan, cho biết hôm thứ hai rằng họ sẽ ra mắt tại thị trường Đức, Pháp và Anh vào năm tới.

NHỮNG CHIẾN THUẬT

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm kiếm sự tăng trưởng ở châu Âu để bù đắp cho nền kinh tế trong nước đang chậm lại, gây thêm áp lực lên các thương hiệu đắt tiền hơn của Đức, vốn từ lâu đã tạo ra tới 40% doanh thu hàng năm của họ tại Trung Quốc.

Tesla cũng tiếp tục gây áp lực lên các thương hiệu ô tô hàng đầu của Đức. Năm ngoái, công ty do Elon Musk đứng đầu đã vượt qua BMW để giành vị trí dẫn đầu về doanh số bán xe hơi hạng sang tại Mỹ. Và tại Đức, nơi Tesla đang sản xuất xe tại nhà máy ở ngoại ô Berlin, công ty đang xin phê duyệt để tăng gấp đôi công suất của nhà máy lên khoảng một triệu xe mỗi năm.

Theo dữ liệu từ EV-Volumes.com, chuyên theo dõi doanh số bán xe điện toàn cầu, VW là nhà sản xuất xe điện chạy pin lớn thứ tư trên thế giới vào năm ngoái, với thị phần 8%, giảm so với mức 10% của năm trước. Tesla dẫn đầu thị trường, tiếp theo là BYD và SAIC.

Đối mặt với chi phí lao động và năng lượng cao trong nước, các nhà sản xuất ô tô của Đức đang cắt giảm chi phí và bắt đầu vận động các chính trị gia châu Âu làm nhiều hơn để hỗ trợ ngành công nghiệp này, một số kêu gọi Brussels rút lại mục tiêu cấm các loại xe mới sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035.

Trong khi các giám đốc điều hành hãng xe ô tô Đức cũng bày tỏ những quan ngại. Giám đốc điều hành Mercedes-Benz là Ola Källenius cho biết: “Đích đến rất rõ ràng: Lượng khí thải bằng không. Nhưng trong thập kỷ này và thập kỷ tiếp theo, chúng ta cần sự linh hoạt về mặt chiến thuật”.

im-846729.jpg
Tesla cũng tiếp tục gây áp lực lên các thương hiệu ô tô hàng đầu của Đức.

Một số giám đốc điều hành kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét kỹ hơn cách Mỹ cung cấp các ưu đãi cho các công ty đầu tư vào sản xuất, với tác động đáng kể.

Giám đốc Renault De Meo cho biết: “Tất cả các khoản trợ cấp của châu Âu đều tập trung vào đổi mới ở mức rất cao, nhưng không có tiền cho đầu tư sản xuất. Mỹ và Trung Quốc bỏ tiền vào sản xuất. Đó là sự khác biệt lớn”.

Có thể bạn quan tâm