Trong bản cập nhật mới nhất về trợ cấp nhiên liệu hóa thạch được công bố bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các khoản trợ cấp của chính phủ nhằm giảm giá nhiên liệu cho người tiêu dùng (bao gồm giảm thuế tiêu dùng và trợ cấp cho sản xuất) đã tăng lên mức kỷ lục 7.000 tỷ USD vào năm 2022.
Trong đó, việc hạ bớt giá cho các sản phẩm dầu mỏ chiếm gần một nửa tổng số trợ cấp, tiếp theo là than đá (30%) và khí đốt tự nhiên (20%).
Có tới gần 3.500 tỷ USD đến từ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Đặc biệt, Trung Quốc chi nhiều nhất cho trợ giá, tiếp theo là Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu và Ấn Độ.
Nhưng phần lớn (82%) trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu vào năm ngoái đến từ các khoản trợ cấp ngầm, là kết quả của việc các chính phủ tính giá thấp cho các chi phí môi trường phát sinh do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo của IMF ước tính, khoản trợ cấp cho than, dầu và khí đốt trong năm 2022 tương đương 7,1% GDP toàn cầu.
Tổng số tiền đầu tư vào các ngành công nghiệp dầu, khí đốt và than thậm chí còn lớn hơn số tiền chính phủ chi cho giáo dục và bằng khoảng 2/3 số tiền chi cho y tế cộng đồng.
Nghiên cứu của IMF được đưa ra chỉ vài ngày sau khi phân tích mới của Viện Phát triển bền vững (IISD) cho thấy khoản đầu tư của các nước G20 vào ngành nhiên liệu hóa thạch đạt mức cao chưa từng có là 1,4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch mặc dù trước đó vào năm 2009 nhóm đã từng đưa ra cam kết loại bỏ dần các khoản trợ giá nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia thuộc G20 chịu trách nhiệm cho khoảng 80% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Cả hai phát hiện này làm dấy lên một làn sóng chỉ trích trong giới chuyên gia khí hậu và các nhà vận động, những người liên tục cảnh báo rằng chúng ta không còn nhiều thời gian để có thể đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu và tránh được những tác động nghiêm trọng của nó.
“Báo cáo của IMF chỉ ra rằng, vào thời điểm thế giới bắt đầu hứng chịu những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, thì các chính phủ tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa bằng cách cung cấp mức hỗ trợ kỷ lục cho nhiên liệu hoá thạch”, bà Ipek Gençsü, chuyên gia tại tổ chức tư vấn ODI bày tỏ quan điểm.
Vào tháng trước, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tận dụng một số cơ hội quan trọng phía trước, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi, cuộc họp G20 sắp tới và COP28 để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và bình đẳng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán rằng việc chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch sẽ cắt giảm 34% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 2019, chiếm một phần lớn trong mức cắt giảm 43% cần thiết để có cơ hội giữ nhiệt độ toàn cầu ở mức mục tiêu.
“Mặc dù việc cắt giảm trợ cấp nhiên liệu sẽ đòi hỏi phải cải cách chính sách trên diện rộng, nhưng cái giá phải trả nếu chúng ta không chịu hành động sẽ còn lớn hơn rất nhiều”, các nhà kinh tế của WB khẳng định.