Chủ tịch U&I Group Mai Hữu Tín: 'Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội trong 30 năm đổi mới'

Theo doanh nhân Mai Hữu Tín, trong 3 thập kỷ đổi mới, chúng ta đã chọn làm những việc dễ nhất như khai thác tài nguyên, sử dụng lao động rẻ, đầu tư lớn vào doanh nghiệp nhà nước…
Chủ tịch U&I Group Mai Hữu Tín: 'Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội trong 30 năm đổi mới'

Và quan trọng là chưa tạo ra được nền tảng phát triển lâu bền từ giáo dục, từ việc giải phóng tối đa sức phấn đấu của người dân, của doanh nghiệp tư nhân bằng các chính sách, thủ tục phù hợp.

Sau đổi mới, Luật Doanh nghiệp đã đặt những dấu mốc đầu tiên cho sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp, nhiều thương hiệu khởi nghiệp từ thời kỳ đầu đổi mới đã khẳng định được vị thế của mình tại thị trường nội địa, khu vực và quốc tế, trở thành động lực thúc đẩy và dẫn dắt nền kinh tế phát triển.

Trải qua những cơn địa chấn với hai cuộc khủng hoảng kinh tế, những thử thách đến từ những bất cập trong điều hành chính sách vĩ mô và quản trị doanh nghiệp, nhất là khi công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng với độ mở lớn, xu thế và thách thức mới về công nghệ, mua bán, sáp nhập, liên doanh… đã làm tổn thương không ít đến những thương hiệu đã từng vang bóng một thời.

Nhưng cùng với làn sóng công nghiệp 4.0, của kinh tế số và trí tuệ nhân tạo, sự bền chí và khả năng thích ứng với sự thay đổi liên tục của các thương hiệu dẫn đầu còn trụ lại, cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của những tên tuổi mới và hệ sinh thái các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã mang lại một khí sắc mới mẻ cho sức mạnh quốc gia.

Nhân dịp sắp kỷ niệm ngày doanh nhân 13/10, với sự tham gia đồng hành của các doanh nhân tiên phong cùng những chuyên gia kinh tế uy tín, TheLEADER thực hiện chuyên đề “Thương hiệu Việt - Sức mạnh nội lực của nền kinh tế”, nhằm đưa ra những góc nhìn khác nhau về thành quả thực sự của kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới.

Bài 1: 'Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội trong 30 năm đổi mới'

Chưa bao giờ, các doanh nghiệp dẫn đầu sử dụng công cụ mua bán - sáp nhập (M&A) có hiệu quả như thời gian qua, những cuộc M&A đình đám của các thương hiệu dẫn đầu đã góp phần tăng sức mạnh của hàng loạt tên tuổi như Vingoup, TTC, THACO, U&I… sang những lãnh địa hoàn toàn mới, trở thành quy mô tập đoàn trong một thời gian ngắn hơn nhiều so với thế giới.

Tuy nhiên, không ít các thương hiệu Việt đình đám như nước giải khát Tribeco, Diana, Kinh Đô, Phở 24, kem đánh răng Dạ Lan, Thorakao, nước tương Nam Dương, Chương Dương, Bông Bạch Tuyết, LiOA… sau M&A hoặc đã biến mất trên thương trường, hoặc đang sống “vật vờ” ở thị trường nội, hoặc đang trong hành trình tìm lại thời hoàng kim của mình.

Làm thế nào để quản trị được làn sóng M&A, biến nó thành công cụ đắc lực cho sức mạnh của doanh nghiệp? Tiến trình này đã được nhà nước quan tâm ra sao dưới góc nhìn chính sách? Liệu có cần tăng cường hỗ trợ với các thương hiệu mạnh hay không?

Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên TheLEADER với ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn U&I, một tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong 8 lĩnh vực, nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám như vụ giải cứu Công ty Bồn nước Inox Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành…

Ông đánh giá thế nào về sức mạnh của nền kinh tế nhìn vào top đầu những thương hiệu quốc gia?

Nếu định nghĩa thương hiệu quốc gia là thương hiệu thuần túy của người Việt thì chưa thể gọi đó là sức mạnh. Số thương hiệu của người Việt được người Việt tin dùng và có sức cạnh tranh thật sự trên thị trường hiện vẫn rất ít và chiếm một tỉ lệ thấp trong giá trị toàn nền kinh tế.

Vậy theo ông, sau 30 năm đổi mới chúng ta còn lại gì?

Câu hỏi của chị hàm ý là chúng ta đã mất rất nhiều phải không?

Tôi nhìn vấn đề theo góc khác: Chúng ta đã chọn làm những việc dễ nhất như khai thác tài nguyên, sử dụng lao động rẻ, đầu tư lớn vào doanh nghiệp nhà nước… và chưa tạo ra được nền tảng phát triển lâu bền từ giáo dục, từ việc giải phóng tối đa sức phấn đấu của người dân, của doanh nghiệp tư nhân bằng các chính sách, thủ tục phù hợp.

Chúng ta đã để mất rất nhiều cơ hội nhưng nếu chúng ta chịu thay đổi và thay đổi nhanh thì vẫn còn rất nhiều việc có thể làm cho người dân và doanh nghiệp tư nhân.

Ông nhìn nhận thế nào về những cuộc M&A đình đám của hàng loạt thương hiệu mạnh? Những được - mất nhìn dưới góc độ doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế?

 Nếu chúng ta tuân thủ mọi nguyên tắc của kinh tế thị trường thì nền kinh tế không mất gì cả. Nguồn lực mới thay thế nguồn lực cũ và khả năng là họ sẽ làm tốt hơn.

Đương nhiên chúng ta có xót xa khi các ông chủ mới trong đa số trường hợp không phải là người Việt và như vậy lợi nhuận tạo ra sau các cuộc M&A đó không nằm trong túi người Việt và có thể không được tái đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Nhà nước vẫn thu thuế được, người tiêu dùng được phục vụ tốt hơn.

Chỉ nhìn riêng từ khía cạnh nội lực thì đúng là đau, bởi có nhiều ông chủ bán đi nhưng giảm hoặc rút luôn việc đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông, vì sao các quốc gia hùng mạnh sau khi toàn cầu hóa thương hiệu giờ lại quay về chính sách bảo hộ?

Hai việc này khác nhau.

Họ vẫn tiếp tục toàn cầu hóa các thương hiệu của họ chứ. Còn bảo hộ là để làm giảm bớt các căng thẳng trong lòng xã hội bởi không phải ai cũng được hưởng lợi từ toàn cầu hóa và còn để tạo khó khăn cho các đối thủ của họ nữa.

Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để vừa hội nhập sâu rộng, vừa tạo dựng được sức mạnh nội lực của nền kinh tế dựa vào các thương hiệu dẫn đầu?

Tôi cho rằng giải phóng tối đa sức phát triển của người dân và doanh nghiệp tư nhân vẫn là vấn đề mấu chốt. Chính sách cần công bằng và mang tính nuôi dưỡng. Thủ tục cần nhanh, sạch, với chi phí so sánh được với các nền kinh tế tốt khác. Các quyền cơ bản của con người cần được nhanh chóng luật hóa đầy đủ.

Sau các thương vụ M&A, số tiền đó hiện đang tiêu xài như thế nào là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm, theo ông, sau khi bán cho nước ngoài Nhà nước có ngăn được chuyện chuyển giá không?

Tôi hiểu ý của chị là tiền bán doanh nghiệp của các ông chủ Việt Nam. Tôi thấy họ sử dụng tiền đó theo hướng bảo đảm tính an toàn cho cá nhân và gia đình họ bằng cách chia nhỏ ra: một phần vẫn được đầu tư gián tiếp ở Việt Nam. Phần khác ở nước ngoài. Họ đầu tư cho cuộc sống, sức khỏe và giáo dục các thế hệ kế tiếp nhiều hơn.

Còn việc có ngăn chặn được việc chuyển giá sau M&A hay không thì tôi không đủ cơ sở để trả lời.

Vì sao có một số doanh nghiệp Việt đủ tiền lại không mua mà các đại gia nước ngoài lại nhảy vào? Họ đang toan tính những gì sau đó?

Mọi quyết định về đầu tư đều dựa trên cơ sở phân tích chi phí và lợi ích. Toan tính đầu tiên của các nhà đầu tư đương nhiên là lợi ích kinh tế có được, còn phần chi phí bao gồm cả chi phí cơ hội, chi phí rủi ro…

Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp nội đủ lớn, đủ mạnh và đủ khả năng quản lý để so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài có lịch sử phát triển lâu dài hơn, có nguồn tài chính tốt hơn, có khả năng quản trị cao hơn và đã quen với việc kinh doanh quốc tế.

Khi không thật sự đủ lực thì đương nhiên các doanh nghiệp trong nước không dám gánh thêm rủi ro.

Từng M&A những thương hiệu Việt như Bồn nước Toàn Mỹ, Giấy Sài Gòn, Gỗ Trường Thành… ông đánh giá thế nào về lợi ích của doanh nghiệp và của chính mình?

Cũng như mọi người khác thôi, việc gì có thể làm thì tôi cố gắng làm, có thể một phần là do tôi suy nghĩ lạc quan hơn và dám gánh chịu rủi ro cao hơn so với các đồng nghiệp Việt Nam khác.

Tôi thích thách thức bản thân mình. Khi làm việc khó thì cơ thể và trí não bắt buộc phải hoạt động nhiều hơn bởi động lực tồn tại lớn hơn. Đương nhiên đây chỉ là lựa chọn của cá nhân tôi.

Trong làn sóng M&A mạnh mẽ này, ông chia sẻ điều gì với doanh nghiệp để có chiến lược kỹ càng nhằm gia tăng sức mạnh thương hiệu trong M&A?

Hiểu đối tượng thật chắc là quan trọng nhưng hiểu chính mình theo tôi lại quan trọng hơn. Và để làm vậy thì rất cần dành thời gian tập trung suy nghĩ về mình trong tỉnh thức.

Xin cám ơn ông!

Theo Kim Yến/The Leader

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…