Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông "bốc hơi" 4.800 tỷ USD vốn hoá sau 3 năm

Vốn hoá của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã “bốc hơi” gần 5 nghìn tỷ USD kể từ 2021 đến nay, một con số còn cao hơn cả giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ…

Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông "bốc hơi" 4.800 tỷ USD vốn hoá sau 3 năm

Theo dữ liệu mới được công bố bởi HSBC, trong 3 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã thua lỗ 4,8 nghìn tỷ USD do tình hình kinh tế đầy biến động và tâm lý thị trường bị đảo lộn.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục đã đi xuống trong ba năm liên tiếp, kết thúc năm ngoái với mức giảm 11,4%. Hoạt động của chỉ số Hang Seng của Hồng Kông thậm chí còn đáng thất vọng hơn, với 2023 là năm giảm thứ tư liên tiếp, kết thúc năm thấp hơn 13,8%.

Cả hai đều là những chỉ số có thành tích thấp nhất trong số các chỉ số chính của châu Á-Thái Bình Dương vào năm ngoái.

Cựu Giám đốc điều hành Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX), Nicolas Aguzin từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 3 vừa qua rằng sự thiếu tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị đều ảnh hưởng đến việc định giá và làm giảm số lượng niêm yết mới trên sàn giao dịch.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra sự lo lắng nhiều nhất cho các nhà đầu tư, một yếu tố cũng ảnh hưởng đến Hồng Kông. Nhiều cổ phiếu bất động sản Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn Evergrande và Country Garden, được niêm yết trên sàn HKEX.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 5% cho năm 2024, nhưng các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đạt được mục tiêu này. Tuần trước, S&P Global Ratings dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng 4,6% vào năm 2024, chậm hơn mức 5,2% của năm 2023.

Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, báo cáo mới từ HSBC một lần nữa cho thấy xu hướng khác biệt trong hoạt động của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Ấn Độ - 2 nền kinh tế lớn của Châu Á. Bởi lẽ, Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) chứng kiến các cột mốc tăng trưởng liên tục trong cùng thời kỳ.

NSE đã vượt qua HKEX để trở thành sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ tư thế giới vào tháng 1/2024, theo dữ liệu từ Liên đoàn các sàn giao dịch thế giới, và trị giá 4,63 nghìn tỷ USD.

Điều này cho thấy sức hút hấp dẫn của chứng khoán Ấn Độ, trái ngược với sự sụt giảm ở cả Trung Quốc và Hồng Kông.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang tăng tốc trong bối cảnh lạc quan hơn về đà tăng trưởng của đất nước. Chỉ số Nifty 50 chuẩn của quốc gia đã vượt lên ở 8 năm liên tiếp, riêng năm 2023 ghi nhận mức mức tăng 20%.

Nghiên cứu từ HSBC cũng cho thấy Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ đã vượt qua Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải để trở thành sàn lớn thứ hai toàn cầu về khối lượng giao dịch hàng tháng. Nhưng nó vẫn tụt lại phía sau Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, nơi chiếm vị trí hàng đầu.

Theo nghiên cứu của EY India, các sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ cũng chứng kiến nhiều đợt phát hành IPO nhất vào năm 2023, cụ thể là 220 đợt, huy động được 6,9 tỷ USD. Đây là mức tăng 48% so với năm 2022.

George Chan, giám đốc bộ phận nghiên cứu IPO toàn cầu của EY, cho biết trong một báo cáo riêng: “Trong khi thị trường Trung Quốc chậm lại đáng kể, thì Ấn Độ đã nổi lên với các thành tích nổi bật”.

Để so sánh, vào năm 2019 Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 6% tổng số IPO trên toàn cầu, nhưng đến quý 1/2024 con số này được nâng lên 27%, đưa Ấn Độ bước lên vị trí thị trường IPO hàng đầu thế giới tính theo khối lượng giao dịch.

Ngược lại, dữ liệu của EY cho thấy chỉ có 30 đợt IPO trên thị trường cổ phiếu loại A của Trung Quốc trong quý đầu năm nay, huy động được 3,4 tỷ USD. Đó là số đợt IPO ít nhất và số tiền thu được nhỏ nhất kể từ năm 2020. Hồng Kông chỉ “chốt sổ” 10 đợt IPO trong cùng giai đoạn và chỉ có 2 đợt IPO có quy mô giao dịch vượt 100 triệu USD, mức thu về thấp nhất kể từ năm 2010.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…