Kinh tế “lâm nguy” vì “doanh nghiệp xác sống”
“Ngân hàng trong bóng tối” hay “ngân hàng ngầm” – thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong những năm 2013, 2014 là nguy cơ tạo nên những “doanh nghiệp xác sống” ảnh hưởng trực tiếp đến nền tài chính Trung Quốc.
Cách đây 2 năm, Ngân hàng Cẩm Châu chính thức công bố tình trạng tài chính ở mức tồi tệ khi phải đối mặt với hai vấn đề lớn: “sản phẩm quản lý tài sản” trị giá 34 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,36 tỷ USD) và khoản nợ lên đến 9 tỷ nhân dân tệ từ một cá nhân dấu tên đang bị điều tra tại Hồng Kông lúc bấy giờ. Sự kiện này đã “vén màn bí mật” của ngành ngân hàng. Nợ nần đang trở thành yếu tố khiến hàng loạt các ngân hàng tương tự Ngân hàng Cẩm Châu nằm trong “vòng tròn đỏ” của giới chức trách Trung Quốc.
Ngân hàng Cẩm Châu không đi vào hoạt động cốt lõi là cho vay mà hướng đến đầu tư và bán các sản phẩm quản lý tài sản có lợi tức cao, phức tạp mà Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đang cố gắng kiểm soát. Đó chính là lý do khiến tình hình kinh doanh rơi vào bế tắc và dẫn đến rủi ro. Thiếu thận trọng trong kinh doanh và xa rời bản chất hoạt động của nhà băng khiến ngân hàng này cùng các ngân hàng vốn cấp 2 - 3 khác rơi nhanh vào vòng xoáy thua lỗ.
Nợ tiêu dung tăng nhanh do xu hướng vay thay đổi
Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang gấp rút tiến hành một cuộc “thanh lọc” nợ nần toàn diện. Vào tháng 12/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố, cắt giảm nợ là một trong những trận chiến quan trọng trong 3 năm tới. Ngay lập tức, giới chức trách Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống quản lý mới cho ngành ngân hàng, áp đặt nhiều chế tài với Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, Tập đoàn HNA và Tập đoàn Dalian Wanda nhằm kiểm soát tối đa. Ngày 23/2, chính quyền Bắc Kinh chính thức buộc tội CEO Wu Xiaohui của Anbang về tội gian lận và tham ô rồi tiếp quản tập đoàn bảo hiểm hàng đầu đất nước này.
Hàng loạt những nỗ lực của Trung Quốc đang truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm làm mới hệ thống tài chính. Thông điệp này cũng chính thức được phát đi tại Kỳ họp thứ I, Quốc hội khoá 13 diễn ra vào đầu tháng 3 vừa qua. Mọi nỗ lực này đều nhằm giảm thiểu nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện như khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hay khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997.
Nhưng trước những nỗ lực này, vẫn còn rất nhiều thử thách phía trước. Đơn cử nhất là “núi nợ” đã được Cục Quản lý tài sản Trung Quốc (UBS) ước tính chiếm đến 272% GDP năm 2017 cùng với đó là sự xung đột của giới cầm quyền trong quá trình giải quyết.
Nợ của các ngân hàng Trung Quốc tăng 4 lần chỉ trong 1 thập kỷ
Nỗ lực kiểm soát khiến rủi ro tài chính “biến dạng”
Vào giữa tháng 1/2018, Chủ tịch Guo Shuqing của CBRC cho biết tình trạng nợ xấu, khả năng quản lý yếu kém và ngân hàng "ngầm" gia tăng có thể dẫn đến những nguy cơ không thể lường trước..
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng chi phí đòn bẩy doanh nghiệp và tạo áp lực cho doanh nghiệp nợ quá hạn. Cuộc chiến nợ của Trung Quốc hiện nay được ví như cuộc rượt đuổi giữa mèo và chuột, giữa chính quyền Bắc Kinh và các chính sách tiền tệ.
Hiện, tài chính của nhiều SMEs Trung Quốc dựa chủ yếu vào các “ngân hàng ngầm” nên khi hoạt động của các ngân hàng này bị thắt chặt, khối doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng lớn. Michael Taylor - Giám đốc tín dụng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Moody's Investors Service đánh giá, chế tài của Trung Quốc có thể hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tài chính nhưng lại mang đến nhiều hệ luỵ cho thị trường tín dụng.
Khi bị thắt chặt các hoạt động cho vay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm ra cách thức khác để xoay chuyển nguồn vốn. Trong các lĩnh vực không "được lòng" Chính phủ như bất động sản, khối doanh nghiệp này rót tiền mạnh mẽ vào thị trường trái phiếu USD để tránh những quy định phức tạp trong nước đồng thời lợi dụng sức mạnh gần đây của đồng nhân dân tệ. Điều này chứa nhiều rủi ro nếu đồng tiền này lại suy yếu.
Nợ tiêu dung tăng nhanh do xu hướng vay thay đổi
Bên cạnh đó, chiến lược thắt chặt tín dụng doanh nghiệp đang khiến ngành tài chính Trung Quốc “phình ra” theo hướng khác. Nợ hộ gia đình đang tăng lên nhanh chóng do người dân Trung Quốc có xu hướng thế chấp và vay mượn để chi cho tiêu dùng. Đối với chính quyền Bắc Kinh, điều này không khác gì “tia lửa” tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính mới mà nguồn gốc không đến từ hệ thống doanh nghiệp lớn.
"Cuộc chiến nợ của Trung Quốc hiện nay được ví như cuộc rượt đuổi giữa mèo và chuột, giữa chính quyền Bắc Kinh và các chính sách tiền tệ. Chiến lược thắt chặt tín dụng doanh nghiệp đang khiến ngành tài chính Trung Quốc “phình ra” theo hướng khác.
Hệ luỵ khó lường
Internet bùng nổ cùng với sự phát triển của công nghệ số đem đến những thách thức quản lý mới. Internet tạo điều kiện cho các công ty non trẻ tiếp cận các SMEs và hộ gia đình khi họ không đủ điều kiện vay vốn từ các ngân hàng quốc doanh.
Báo cáo của UBS cho biết, chỉ có 40% người trưởng thành ở Trung Quốc có lịch sử tín dụng với một tổ chức tài chính truyền thống. Vào cuối tháng 10/2017, các nhà băng cho vay ngang hàng chiếm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong các khoản nợ chưa thanh toán, tăng từ gần như 0% trong năm 2014.
Bên cạnh đó, sự thắt chặt tài chính khiến các nhà phân tích quốc tế hạ dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc từ 6,9% trong 2017 xuống còn 6,6% - 6,7% trong năm 2018 mặc dù tình hình xuất khẩu toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn tỏ rõ quyết tâm “khai tử” các ngân hàng bóng tối và tái lập hệ thống ngân hàng dù cho “sức khoẻ” của nền kinh tế có bị ảnh hưởng.