Đông Nam Á có thể là một điểm sáng trong bối cảnh suy thoái toàn cầu trong năm tới

Các nhà kinh tế cho biết châu Á - đặc biệt là Đông Nam Á - vẫn là một điểm sáng, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu có vẻ sẽ đi vào suy thoái trong năm tới.
Đông Nam Á có thể là một điểm sáng trong bối cảnh suy thoái toàn cầu trong năm tới

Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở châu Á trong đầu năm nay đang dần mất đà do ba "cơn gió ngược" -  lãi suất tăng, cuộc chiến ở Ukraine và tác động từ hoạt động kinh tế suy giảm của Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết vào tuần trước.

Trong báo cáo triển vọng mới nhất của mình, IMF nhận định: “Mặc dù vậy, châu Á vẫn là một điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng chìm xuống”.

IMF dự đoán tăng trưởng của khu vực châu Á và Thái Bình Dương là 4% trong năm nay và 4,3% vào năm 2023, cả hai đều dưới mức trung bình 5,5% trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng vẫn cao hơn dự báo của Quỹ đối với châu Âu và Hoa Kỳ. Trong đó, IMF dự đoán ​​tăng trưởng 3,1% vào năm 2022 và 0,5% vào năm 2023 đối với khu vực đồng euro; và tăng trưởng 1,6% trong năm nay và 1% vào năm sau đối với Hoa Kỳ. 

Nhìn chung, con đường của châu Á sẽ khác với nhiều nền kinh tế tiên tiến như châu Âu nhờ “vị trí và khả năng đa dạng hóa cũng như một khoảng cách nhất định đối với những khó khăn mà châu Âu đang phải đối mặt”, Giám đốc danh mục đầu tư của Fidelity, Taosha Wang cho biết trong một ghi chú vào tuần trước. “Điều này cho thấy có nhiều khoảng trống hơn cho các chính sách định hướng tăng trưởng trong khu vực, khác với nhiều nơi khác trên thế giới, khi mà lạm phát cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt các điều kiện tài chính.”

IMF
IMF đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng của Đông Nam Á.

Sự phục hồi mạnh mẽ của Đông Nam Á

IMF cho biết, Đông Nam Á sẽ có một năm mới khởi sắc. Việt Nam đang vươn mình trở thành trung tâm của các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khi Philippines, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ có thể sẽ tăng trưởng từ 4% đến 6%.

IMF cũng cho biết thêm, du lịch ở Campuchia và Thái Lan sẽ phục hồi tốt. 

Theo Ngân hàng DBS, cho đến nay, xuất khẩu từ ASEAN-6 - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã vượt trội so với Bắc Á và phần còn lại của khu vực. 

Hai nhà phân tích Chua Han Teng và Daisy Sharma của DBS cho biết, chỉ số quản lý mua hàng sản xuất ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam “nhìn chung đứng trong vùng mở rộng trên 50 vào tháng 9. Điều đó giúp đặt các nước này vào vị trí lí tưởng hơn so với các nước như Hàn Quốc và Đài Loan.”

Triển vọng mờ mịt của Nam Á

Nhưng triển vọng đối với các thị trường Nam Á như Sri Lanka và Bangladesh vẫn còn mờ mịt, báo cáo của IMF chỉ ra. Sri Lanka vẫn đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong khi ở Bangladesh, cuộc chiến Nga - Ukraine và giá hàng hóa tăng cao đã cản trở sự phục hồi của nước này sau đại dịch. 

Các nền kinh tế có nợ cao như Maldives, Lào và Papua New Guinea, cùng những quốc gia phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn, như Mông Cổ, cũng gặp phải vô số thách thực trong thời điểm hiện nay,” IMF phân tích. 

châu á

Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ phục hồi trong năm nay và đạt mức tăng trưởng 3,2% vào cuối năm 2022 trước khi tăng tốc lên 4,4% vào năm 2023 - với điều kiện các chính sách Covid-zero của họ phải được nới lỏng, IMF cho biết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...