Du khách Trung Quốc đang rời xa hai điểm đến nổi tiếng nhất châu Á

Nhật Bản và Thái Lan đều đang mất dần vị thế trong mắt du khách Trung Quốc khi mối lo ngại về an toàn ngày càng gia tăng…

TAL-header-fushimi-inari-taisha-entrance-kyoto-JPNOPEN1122-4e52d629190d4a39ace4a669e9fc4c41.jpg

Nhật Bản và Thái Lan là hai trong số những địa điểm du lịch được yêu thích nhất ở châu Á. Cả hai quốc gia này đều là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc vào đầu năm nay nhưng đã nhanh chóng tụt hạng trong quý 3 – Thái Lan xuống vị trí thứ 6 và Nhật Bản xuống vị trí thứ 8, theo công ty nghiên cứu China Trading Desk, nơi đánh giá tâm lý du lịch Trung Quốc hàng quý.

Cả hai quốc gia hiện tụt hậu so với Hàn Quốc, Malaysia và Úc về các điểm đến trong kỳ nghỉ tiếp theo, trong khi đó Singapore – được coi là một trong những nơi an toàn nhất cho du khách vào năm 2023 – đã vươn lên vị trí dẫn đầu.

Screen Shot 2023-11-21 at 11.15.24 AM.png
Xếp hạng những địa điểm được khách du lịch Trung Quốc lựa chọn trong năm 2023 (Nguồn: China Trading Desk)

LO NGẠI CỦA DU KHÁCH

Có hai lý do hàng đầu khiến du khách Trung Quốc e ngại về Nhật Bản và Thái Lan: Đó là vấn đề an toàn thực phẩm và lừa đảo.

Đối với Nhật Bản, việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản vào Thái Bình Dương vào tháng 8 đã ảnh hưởng đáng kể đến cảm nhận của người dân Trung Quốc khi đi du lịch ở đó, theo tiết lộ của ông Subramania Bhatt - giám đốc điều hành của China Trading Desk.

singapore-continues-to-import-japanese-seafood-amid-fukushima-concerns-20230824131845.jpg
Thực phẩm Nhật Bản đang trở thành mối lo ngại hàng đầu của khách du lịch Trung Quốc

Cuộc khảo sát của China Trading Desk với hơn 10.000 công dân Trung Quốc - 94% trong số họ dưới 40 tuổi - cho thấy ăn những món ăn ngon (23%) là động lực hàng đầu cho du khách khi đến Nhật Bản, vượt lên cả yếu tố lịch sử và văn hóa địa phương (22%), thiên nhiên ( 22%) và mua sắm (10%).

Tổ chức Y tế Thế giới và các nhóm an toàn khác cho biết hải sản từ Nhật Bản là an toàn để ăn, nhưng nỗi lo sợ thường trực của du khách Trung Quốc khiến sức hút của Nhật Bản đã giảm đi đáng kể.

Trong khi đó tại Thái Lan, trái ngược xu hướng “set-jetting” (du ngoạn theo bối cảnh - khi mà du khách hào hứng tới thăm phim trường hoặc các địa điểm xuất hiện trên phim ảnh), thì một số bộ phim bom tấn đang ngăn cản du khách Trung Quốc đến thăm Thái Lan.

Một số bộ phim được ra mắt trong hè qua như “Lost in the Stars” và “No More Bets” đều là hư cấu và không lấy bối cảnh ở Thái Lan, nhưng một số người nói rằng cốt truyện phản ánh chặt chẽ các sự kiện ngoài đời thực đã gây chú ý trong những năm gần đây. Trong đó có một phụ nữ Trung Quốc, người đã bị chồng đẩy khỏi vách đá ở Thái Lan vào năm 2019.

Điều này đặc biệt đúng với “No More Bets”, kể về một cặp vợ chồng trẻ bị dụ đến Đông Nam Á để nhận công việc mới, nhưng rồi bị mắc kẹt trong một tổ hợp lừa đảo trực tuyến. Đây thực sự là một tình huống có thật mà theo Liên Hiệp Quốc ước tính đang xảy ra với hàng trăm nghìn người trong khu vực.

107336218-1700454194500-gettyimages-1139364111-AFP_1FU31H.jpg
Khu vực bên ngoài của một sòng bạc ở dọc biên giới Myanmar-Trung Quốc, nơi được biết đến là điểm nóng của buôn bán ma túy, động vật hoang dã và con người

Theo Liên Hiệp Quốc, nhiều khu phức hợp nằm ở các khu vực biên giới bên ngoài Thái Lan – ở Campuchia, Lào và Myanmar – thường nằm trong các đặc khu kinh tế, nơi có rất ít hoặc không hề có luật pháp. Các nạn nhân đến từ khắp Đông Nam và Nam Á, cũng như Trung Quốc đại lục, Đài Loan và thậm chí cả Mỹ Latin.

Ngoài lừa đảo, các khu vực này được cho là hoạt động như một “sân chơi vô luật” với tệ nạn buôn bán ma túy, động vật hoang dã và con người tràn lan.

THỰC HƯ

Tin đồn về sự nguy hiểm đối với khách du lịch đã lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc, nhưng theo bà Pia Oberoi - cố vấn cấp cao về di cư và nhân quyền ở châu Á-Thái Bình Dương cho Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chưa có bất kỳ bằng chứng thực tế nào về việc khách du lịch bị bắt cóc từ đường phố và lôi kéo vào những nơi nguy hiểm như vậy.

“Trên thực tế, các phương pháp tuyển dụng trái phép thực sự phức tạp và chuyên nghiệp hơn nhiều. Chúng có xu hướng sử dụng các nền tảng chuyên tuyển dụng để tạo ấn tượng với những người muốn tìm kiếm một công việc thực sự”, bà Pia Oberoi chỉ ra. Bà cũng cho biết các chính phủ đang nỗ lực triển khai nhiều phương pháp nhằm can thiệp và xử lý vấn nạn này, nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề cố hữu trong khu vực liên quan đến tham nhũng và thực thi pháp quyền.

107336225-1700454795750-gettyimages-852417046-laowilas-notitle170923_npzQI.jpg
Một cuộc khảo sát mới cho thấy, các vấn đề an toàn là lý do chính khiến ngày càng có ít khách du lịch Trung Quốc muốn đến Thái Lan

Theo Reuters, năm 2019, khoảng 11 triệu du khách Trung Quốc đã đến thăm Thái Lan - khiến Trung Quốc trở thành thị trường khách du lịch lớn nhất của Thái.

Nhưng trong thống kê 9 tháng đầu năm 2023, có chưa đến 2,5 triệu công dân Trung Quốc đã đến thăm Thái Lan - ít hơn nhiều so với con số 5 triệu mà chính quyền Thái Lan dự kiến sẽ đến trong năm nay, theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan.

Khi được CNBC hỏi về việc liệu du lịch có thể gây áp lực kinh tế khiến các chính phủ Đông Nam Á phải có những phản ứng dứt khoát và mạnh mẽ hơn nữa hay không, bà Pia Oberoi chia sẻ rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng các phản ứng nhân quyền sẽ mở ra con đường phía trước, tác động đến các chính phủ để họ hiểu rằng danh tiếng của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào một phản ứng toàn diện”.

Campuchia đã cấm chiếu “No More Bets” nhưng điều này vẫn không ngăn cản bộ phim thu về gần 500 triệu USD ở Trung Quốc tính đến đầu tháng 9.

Ông Subramania Bhatt của China Trading Desk cho biết: “Một số người xem “No More Bets” thậm chí còn bày tỏ lo ngại rằng việc đi đến khu vực này có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của họ. Theo thời gian, Đông Nam Á sẽ dần gắn liền với hình tượng nguy hiểm và nơi từng là điểm đến phổ biến cho du lịch nước ngoài lại trở thành một nơi mang hàm ý tiêu cực”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…