Tập đoàn Alibaba mới tuyên bố kế hoạch đầu tư hơn 15 tỷ USD cho chương trình nghiên cứu và phát triển toàn cầu có tên Học viện Alibaba DAMO trong 3 năm tới, trang Tech Crunch cho biết.
Theo Alibaba, chương trình này sẽ giúp công ty đạt các mục tiêu bao gồm phục vụ 2 tỷ khách hàng (tương đương 1/4 dân số thế giới) và tạo 100 triệu việc làm vào năm 2036. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ giúp “nâng cao hợp tác về công nghệ trên toàn thế giới”.
Học viện DAMO sẽ do giám đốc công nghệ Jeff Zhang của tập đoàn Alibaba điều hành và khởi đầu bằng việc mở trung tâm nghiên cứu tại 7 thành phố trên khắp thế giới: Bắc Kinh - Hàng Châu - Trung Quốc, San Mateo và Bellevue tại Mỹ, Moscow - Nga, Tel Aviv - Israel và Singapore.
Phạm vi nghiên cứu sẽ bao phủ nhiều lĩnh vực, bao gồm dữ liệu thông minh, Internet vạn vật, công nghệ tài chính, máy tính lượng tử và tương tác giữa máy móc và con người. Cụ thể, Alibaba cho biết các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào công nghệ máy học, an ninh mạng, máy tính trực quan và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
DAMO sẽ gồm các nhóm nghiên cứu nội bộ của Alibaba cũng như Ant Financial và Cainiao, lần lượt là công ty con trong lĩnh vực tài chính và vận tải của tập đoàn.
Theo Zhang, mục đích chính của DAMO là phát triển các công nghệ có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của Alibaba. Ví dụ khả năng về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn có thể trở phục vụ cho dịch vụ của Alibaba Cloud. Một số kết quả nghiên cứu của DAMO sẽ được công bố rộng rãi, Zhang cho biết.
Các nhà nghiên cứu của Alibaba sẽ hợp tác chặt chẽ với các trung tâm nghiên của của các trường đại học lớn như RISE Lab của Đại học California, Berkeley, nhằm phát triển công nghệ cho phép máy tính đưa ra các quyết định chính xác dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Hội đồng cố vấn hiện tại của học viện DAMO gồm có nhiều giáo sư đến từ các trường đại học danh tiếng như Princeton, Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Bắc Kinh và Đại học Chiết Giang.
Alibaba sẽ “bắt tay” cùng một số hãng công nghệ lớn của Trung Quốc trong việc mở các trung tâm nghiên cứu và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu công nghệ, đại học tại Mỹ và nhiều nước khác.
Theo trang Tech Crunch, chương trình này sẽ giúp công ty khai thác được lớp tài năng mới mà không phải yêu cầu họ tới Trung Quốc làm việc, đồng thời cũng thu hút nhân tài từ tay các đối thủ như Amazon, Facebook, Google và Apple. Hiện DAMO đang đăng tuyển 100 nhà nghiên cứu công nghệ để thực hiện kế hoạch của mình.
Trong vài năm qua, các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Google, Facebook... đua nhau đầu tư mở các trung tâm nghiên cứu của riêng mình và thu hút nhân tài công nghệ. Không nằm ngoài xu hướng đó, Alibaba cũng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này.
Vào tháng 3 năm nay, chủ tịch Jack Ma của tập đoàn này tiết lộ mục tiêu xây dựng NASA của riêng mình, đồng thời nhấn mạnh rằng công ty sẽ đầu tư mạnh tay vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Hiện Alibaba đã sở hữu trung tâm nghiên cứu AI riêng, chuyên phát triển các sản phẩm như loa thông minh Tmall Genie ra mắt hồi tháng 7. Tập đoàn này cũng tuyển nhà nghiên cứu từng làm việc cho Amazon, Ren Xiaofeng, về dẫn dẵn nhóm nghiên cứu AI của mình.
Các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc cũng không ngừng lên kế hoạch và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu. Hiện tại, một trung tâm nghiên cứu của hãng công nghệ Baidu ở Thung lũng Silicon, nghiên cứu về dữ liệu lớn, máy học và trí tuệ nhân tạo (AI), đang chiêu mộ nhân tài từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Hồi tháng 5, Tencent tuyên bố thành lập một trung tâm nghiên cứu AI tại Seattle, Mỹ. Trong khi đó, năm ngoái, Huawei đã "bắt tay" với Đại học California, Berkeley để mở một trung tâm nghiên cứu AI với số vốn đầu tư ban đầu 1 triệu USD.