Đức tuyên bố đối phó tốt với "đe dọa khí đốt" từ Nga

Trước những đe dọa khí đốt từ Nga, Thủ tướng Đức Scholz khẳng định, nguồn cung của Đức đã tốt hơn và hoàn toàn có thể đối phó khi mùa đông cận kề.
Đức tuyên bố đối phó tốt với "đe dọa khí đốt" từ Nga

Trong cuộc họp báo ngày 30/8 ở Meseberg, Brandenburg Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói. "Chúng tôi có để đối phó tốt với các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt từ Nga, quốc gia sử dụng khí đốt như một phần chiến lược trong chiến dịch quân sự tại Ukraine".

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck ngày 28/8 thông báo Đức tích trữ khí đốt nhanh hơn dự kiến. Mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ khí đốt vào tháng 10 "có thể đạt được ngay trong đầu tháng 9" với mức hiện tại là 82%.

Thủ tướng Scholz ngày 30/8 khẳng định điều này "đồng nghĩa Đức đang ở vị thế tốt hơn nhiều trong đảm bảo nguồn cung so với dự đoán vài tháng trước".

Tuyên bố được ông Scholz đưa ra một ngày trước khi tập đoàn Gazprom của Nga dừng đường ống Nord Stream 1 tới Đức ngày 31/8 - 2/9 để bảo dưỡng. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Ngày 27/7, lưu lượng qua đường ống giảm còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa.

Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung khí đốt làm vũ khí kinh tế gây sức ép với phương Tây, nhưng Moskva bác bỏ. Nga khẳng định sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ của mình về xuất khẩu khí đốt, nhưng các lệnh trừng phạt từ phương Tây đang cản trở quá trình bảo dưỡng và hoàn trả thiết bị.

Đức tìm cách thoát phụ thuộc khí đốt Nga sau khi chiến sự tại Ukraine bùng phát. Giới chức Đức quyết định tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than, vốn được đưa vào trạng thái niêm cất trước đó, cũng như nỗ lực tiết kiệm điện và tìm cách lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt trước cuối năm nay.

Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến họp khẩn tại Brussels, Bỉ ngày 9/9 nhằm thảo luận các biện pháp cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, theo lời triệu tập của Czech, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 29/8 cho biết EU đang chuẩn bị hành động khẩn cấp để cải cách thị trường điện và kiểm soát giá. Tây Ban Nha, thành viên EU, trước đó quyết định áp trần giá khí đốt dùng tại các nhà máy điện để ngăn tăng giá. Biện pháp này được coi là khuôn mẫu khả thi cho đợt cải tổ thị trường điện ở châu Âu nhằm giảm áp lực đối với các hộ gia đình.

Có thể bạn quan tâm