ECB tăng lãi suất lên mức cao nhất mọi thời đại

Mức tăng 0,25 điểm phần trăm được Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đưa ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đang chững lại ở khu vực đồng Euro…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chủ tịch ECB Christine Lagarde
Chủ tịch ECB Christine Lagarde

Quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên phạm vi 4% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) được đưa ra khi các quan chức cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế khu vực đồng Euro.

Đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng so với USD sau quyết định của hội đồng ECB tại Frankfurt. Trong giao dịch vào cuối buổi chiều, Euro đã trượt 0,75% xuống 1,065 USD.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Đức, vốn nhạy cảm với lãi suất và được coi là chuẩn mực cho khu vực đồng Euro, mất 0,01 điểm phần trăm xuống còn 3,16%.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng các ngân hàng trung ương lớn sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vì lạm phát đang giảm và tăng trưởng đang chậm lại dưới áp lực từ chi phí vay cao hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ có cuộc họp vào tuần tới. Một số nhà phân tích cho rằng Fed có khả năng giữ nguyên lãi suất mặc dù lạm phát ở Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 8, trong khi BOE có nhiều khả năng tăng lãi suất vì lạm phát ở Anh vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu.

Về phía châu Âu, ECB ám chỉ rằng chi phí đi vay của khu vực đồng Euro đã lên đến đỉnh điểm. Theo đó, lãi suất đã đạt đến mức mà nếu được duy trì trong thời gian đủ dài sẽ góp phần đáng kể cho việc đưa lạm phát trở lại kịp thời ở mục tiêu 2%.

Quyết định này của ECB đã đưa lãi suất tiền gửi của ECB lên trên mức cao kỷ lục trước đó vào năm 2001, khi những người ấn định lãi suất tăng chi phí đi vay để đẩy mạnh giá trị của đồng Euro mới ra mắt.

Ông Tomasz Wieladek, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại T Rowe Price cho biết: “Đây thực chất là một đợt tăng lãi suất rất ôn hòa . . . Họ đã báo hiệu rõ ràng ý định giữ nguyên lãi suất kể từ đây”.

Tại cuộc họp báo ở Frankfurt, chủ tịch ECB Christine Lagarde một lần nữa nhấn mạnh về tác động đáng kể của mức lãi suất hiện tại đối với lạm phát. Bà Lagarde có nói thêm rằng đa số các nhà hoạch định chính sách đều ủng hộ việc tăng lãi suất, trong đó chỉ có thiểu số là bỏ phiếu cho việc tạm dừng.

z4694738049431_17b4525fb8b932498e323fc7fdd376b4.jpg
Lãi suất tiền gửi của ECB đã vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2001

Quyết định tăng lãi suất hôm 14/9 là một trong những quyết định có tác động lớn nhất của ECB trong hơn một năm, khi bắt đầu có thêm các thành viên “ôn hoà” kêu gọi việc tạm dừng do các dấu hiệu tăng trưởng yếu, hoạt động cho vay ngân hàng chậm lại, thị trường lao động hạ nhiệt và lạm phát giảm. Mặc dù vậy, phe “diều hâu” vẫn khẳng định rằng lạm phát vẫn còn quá cao.

ECB đã nâng dự báo lạm phát trong năm nay từ 5,4% lên 5,6% và cho năm 2024 từ 3% lên 3,2%. Tuy nhiên, họ đã cắt giảm dự báo lạm phát năm 2025 từ 2,2% xuống 2,1%, đồng thời cho biết tốc độ tăng trưởng giá cả dự kiến vẫn ở mức cao trong thời gian dài.

Trong khi lạm phát ở khu vực đồng Euro đã giảm từ mức đỉnh 10,6% năm ngoái xuống còn 5,3% vào tháng 8, nhưng sự phục hồi gần đây của giá dầu đã làm dấy lên lo ngại rằng quá trình giảm phát sẽ gặp khó khăn.

Eric Dor, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý IESEG Paris cho rằng châu Âu đang bước vào thời kỳ lạm phát dai dẳng và tăng trưởng trì trệ. “Lạm phát kèm suy thoái dường như đang xảy ra ở khu vực đồng Euro,” ông Eric Dor chia sẻ bình luận trên trang mạng xã hội X, trước đây có tên là Twitter.

Triển vọng xấu đi của nền kinh tế khu vực đồng Euro được phản ánh qua việc ECB cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay từ 0,9% xuống 0,7% và cho năm tới từ 1,5% xuống 1%.

Có thể bạn quan tâm