Giá dầu tăng vọt hơn 4% sau xung đột Israel-Hamas

Giá dầu tăng hơn 4 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch 9/10 sau khi các cuộc đụng độ quân sự cuối tuần qua đã làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn chính trị trên khắp Trung Đông…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Khu vực lọc dầu của Persian Gulf Star Co. (PGSPC) tại Iran
Khu vực lọc dầu của Persian Gulf Star Co. (PGSPC) tại Iran

Sáng 9/10 theo giờ giao dịch châu Á, giá dầu thô Brent tăng 4,18 USD, tương đương 4,94%, lên 88,76 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 4,23 USD, tương đương 5,11% ở mức 87,02 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đã đảo ngược xu hướng giảm của tuần trước - cũng là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3 - khi dầu Brent giảm khoảng 11% và dầu WTI giảm hơn 8% trong bối cảnh lo ngại về lãi suất cao tác động đến nhu cầu toàn cầu.

Các vấn đề xung đột tại khu vực Trung Đông vào cuối tuần qua là một trong những lý do chính khiến giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là một phản xạ nhất thời của thị trường bởi cuộc xung đột không trực tiếp ảnh hưởng đến bất kỳ nguồn cung cấp dầu mỏ chính nào.

Cả Israel và vùng lãnh thổ của Palestine đều không phải là những nhà sản xuất dầu mỏ lớn. Israel sở hữu hai nhà máy lọc dầu với tổng công suất gần 300.000 thùng mỗi ngày, còn Palestine không sản xuất được dầu, dữ liệu từ EIA cho thấy.

Ông Iman Nasseri, giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy cho rằng ảnh hưởng đối với giá dầu không quá lớn trừ phi cuộc xung đột tiếp tục leo thang và lan rộng với sự tham gia của Mỹ, Iran và các quốc gia khác ủng hộ các bên liên quan trong cuộc chiến”.

Bạo lực bùng phát có nguy cơ làm chệch hướng những nỗ lực của Mỹ nhằm đứng trung gian trong việc hàn gắn lại mối quan hệ giữa Arab Saudi và Israel, trong đó cả hai bên sẽ bình thường hoá quan hệ để đổi lấy một thoả thuận quốc phòng giữa Washington và Riyadh.

Các quan chức Arab Saudi được cho là đã nói với Nhà Trắng vào cuối tuần trước rằng họ sẵn sàng tăng sản lượng vào năm tới như một phần của thỏa thuận Israel được đề xuất.

Hiện nay, sự chú ý của thị trường đang chuyển sang khả năng Iran tham gia vào các cuộc tấn công. Đây cũng là điều mà chính quyền Israel đã cáo buộc.

Xuất khẩu dầu từ Iran đã bị hạn chế kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định hạt nhân vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm doanh thu của Tehran. Tuy nhiên, sau một số cuộc đàm phán bí mật, sản lượng xuất khẩu dầu của Iran đã tăng từ mức 600 nghìn thùng/ngày lên 3,2 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, một ghi chú từ Citi cho thấy.

Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên của Eurasia Group Henning Gloystein nhận định: “Cũng có nguy cơ xung đột leo thang trong khu vực. Nếu Iran bị cuốn vào, khả năng cao sẽ có tác động tới nguồn cung”.

Chủ tịch Bob McNally của Tập đoàn Năng lượng Rapidan dự đoán, với 40% xuất khẩu dầu thế giới đi qua eo biển Hormuz, các vấn đề giữa Israel và Iran có thể dễ dàng khiến giá dầu tăng vọt từ 5 đến 10 USD. Eo biển này được coi là điểm vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới và nằm giữa Oman và Iran.

Tuy nhiên, giá dầu thô còn có thể tăng cao hơn nữa nếu lực lượng Hezbollah của Lebanon tham gia vào cuộc xung đột, ông McNally giải thích thêm.

Các nhà phân tích từ Ngân hàng ANZ nhấn mạnh: “Rủi ro địa chính trị ngày càng tăng ở Trung Đông chắc chắn sẽ khiến thị trường dầu mỏ liên tục chịu biến động mạnh”.

Có thể bạn quan tâm