Elon Musk muốn nắm quyền kiểm soát nhiều hơn tại Tesla

Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, Elon Musk, đang cố gắng giành được 25% quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị của Tesla. Ông hiện sở hữu khoảng 13% cổ phần của công ty…

Tỷ phú Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk

Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, Elon Musk, người cũng sở hữu mạng xã hội X (Twitter cũ) mới đây đã lên tiếng cho biết ông muốn có khoảng 25% quyền biểu quyết trong việc điều hành hoạt động kinh doanh xe điện.

Hiện tại, ông Musk sở hữu 13% cổ phần Tesla, tương đương khoảng 411 triệu cổ phiếu trong số 3,19 tỷ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của công ty, như được thống kê trong báo cáo tài chính gần đây nhất cho quý 3/2023.

Đó là một khoản cổ phần lớn, đặc biệt là khi xét thêm việc Elon Musk đã bán số cổ phiếu trị giá hàng chục tỷ USD của mình tại Tesla vào năm 2022 để tài trợ cho thương vụ mua lại Twitter 44 tỷ USD.

Giờ đây, Elon Musk tiếp tục muốn giành quyền kiểm soát nhiều hơn nữa đối với Tesla.

Và mong muốn này của Elon Musk chắc chắn sẽ gây thêm áp lực cho ban quản trị Tesla vào năm 2024. Ngoài việc xác định mức lương phù hợp cho CEO, hội đồng quản trị còn đang phải đối mặt với mối lo ngại lớn về một số vấn đề. Điển hình là việc Elon Musk phân chia sự tập trung và sử dụng các nguồn lực của Tesla song song với việc điều hành SpaceX, X Corp cùng nhiều dự án kinh doanh khác. Ngoài ra, những bình luận mang tính chính trị gây tranh cãi, các cuộc điều tra liên bang liên quan đến Elon Musk và Tesla, việc CEO sử dụng ma túy theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal, cũng khiến nhiều nhà đầu tư “đau đầu”.

Elon Musk đã chia sẻ trên X: “Tôi không thoải mái khi phát triển Tesla trở thành công ty dẫn đầu về AI và robot mà không có ít nhất 25% quyền biểu quyết. Đủ để có sức ảnh hưởng, nhưng không đến mức không thể lật đổ được. Nếu việc bản thân quyền sở hữu cổ phiếu đã là đủ động lực, thì Fidelity và những doanh nhân khác cũng sở hữu cổ phiếu như tôi tại sao không đến mà làm việc cho Tesla?”

Bài đăng của Elon Musk được một số nhà phân tích chỉ ra sự mâu thuẫn với những nhận xét mà ông đưa ra trước đây rằng Tesla đã là một công ty quan trọng về AI và robot chứ không phải chỉ mới đang phát triển, và giá trị của Tesla sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của nó trong các lĩnh vực này. Vào tháng 4/2022, ông Elon Musk dự đoán trong buổi báo cáo thu nhập quý 1 rằng robot hình người của công ty, Optimus, cuối cùng sẽ có giá trị hơn việc kinh doanh ô tô và có giá trị hơn cả xe tự lái.

Tesla đã tiết lộ nguyên mẫu Optimus tại Ngày Tesla AI vào tháng 9 cùng năm và phát biểu của ông Musk về sự kiện là: “Mục đích của Ngày Tesla AI là thể hiện chiều sâu và chiều rộng của Tesla trong thế giới AI, phần cứng máy tính và robot”.

Gần đây hơn, vào ngày 27/12/2023, Elon Musk đã công khai chỉ trích Craig Irwin - nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Roth Capital, người xuất hiện trên CNBC và nói rằng ông nghĩ Tesla đã được định giá quá cao, đặc biệt là khi so với Toyota của Nhật Bản.

Bực mình khi bị so sánh với đối thủ, Elon Musk đã bình luận trên X rằng: “Craig Irwin đã có hệ quy chiếu sai. Tesla là một công ty về AI/robot”.

Trong khi hồ sơ hàng năm của Tesla cho thấy khoảng 95% doanh thu của họ đến từ phân khúc “ô tô” vào năm 2022, thì trong hồ sơ tài chính quý 3/2023, công ty mô tả hoạt động kinh doanh của mình là ngày càng tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ dựa trên về trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hóa.

Ở một diễn biến khác, Elon Musk cũng đang trong quá trình xét xử ở Delaware về gói lương thưởng 56 tỷ USD vào năm 2018 - khoản thu nhập đã đưa Elon Musk trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh. Cổ đông Tesla Richard J. Tornetta đã kiện Musk và công ty, nói rằng mức lương thưởng đó là quá cao cho CEO và động thái của công ty đã vi phạm nghĩa vụ ủy thác của Tesla và hội đồng quản trị.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?

Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

Chuẩn bị quay lại Nhà trắng lần thứ 2, ông Trump vẫn giữ những quan điểm cứng rắn: Tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trục xuất di dân... Nhưng ở một số lĩnh vực, Trump 2.0 có thể sẽ rất khác so với Trump 1.0.