Giới trẻ Trung Quốc đổ xô ứng tuyển vào các vị trí công chức nhà nước

Trung Quốc ghi nhận số lượng người đăng ký thi công chức cao kỷ lục trong năm nay khi giới trẻ nước này cố gắng tìm kiếm công việc ổn định giữa bối cảnh kinh tế suy thoái...

Trung Quốc đã ghi nhận kỷ lục 3,4 triệu người trẻ tuổi tham gia kỳ thi công chức năm trong năm 2024. Bởi lẽ, ngày càng có nhiều bạn trẻ mong muốn tìm được công việc nhà nước ổn định trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao.

Số lượng thí sinh ứng tuyển trong năm nay đã tăng hơn 400.000 người so với năm trước và gấp ba lần so với năm 2014.

Klaire, một sinh viên cao học tại Bắc Kinh, đã tham gia kỳ thi công chức - vốn nổi tiếng là cạnh tranh khốc liệt - vào đầu tháng 12. Cô đã dành chín giờ mỗi ngày để ôn thi và chi 980 nhân dân tệ (134 USD) cho các khóa học trực tuyến. Klaire cho biết, việc có được một chỗ đứng trong xã hội và sự nghiệp ổn định về lâu dài là những yếu tố chính khiến cô chỉ nộp đơn vào các vị trí trong cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước (SOE). Nếu vượt qua được kỳ thi, Klaire sẽ còn phải trải qua một vòng phỏng vấn, kiểm tra lý lịch chính trị và sức khỏe, với kết quả cuối cùng dự kiến sẽ công bố vào khoảng tháng 4/2025.

Hầu hết các vị trí công chức đều giới hạn độ tuổi dưới 35 và cung cấp nhà ở trợ giá cùng bảo hiểm xã hội. Đây cũng là những điểm thu hút lớn nhất đối với các sinh viên mới tốt nghiệp đang thất vọng trước sự thiếu hụt cơ hội việc làm trong khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, nguy cơ bị sa thải hiếm khi xảy ra trong ngành công vụ Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc, dù đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây, vẫn cao so với mức trước đại dịch khi nền kinh tế nước này gặp khó khăn trong việc phục hồi. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản chưa có hồi kết và tiêu dùng nội địa tiếp tục suy yếu.

Nhiều bạn trẻ Gen Z cảm thấy kiệt sức và không thực sự cảm nhận được những điều ý nghĩa sau khi cuộc sống của họ bị thay đổi vì đại dịch và suy thoái kinh tế, một giáo sư xã hội học Trung Quốc giấu tên cho biết. Thế hệ sinh viên Trung Quốc hiện nay chưa từng trải qua các đợt sa thải hàng loạt trong khu vực công vào những năm 1990, do đó họ có cái nhìn lý tưởng hóa về công việc chính phủ, vị giáo sư này nhận xét.

Tuy nhiên, một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với mười nhân viên khu vực công ở bốn tỉnh của Trung Quốc lại vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác: thực trạng cắt thưởng và giảm lương lên tới 30% trong năm nay đã khiến một số người cân nhắc việc từ chức.

Cô Katherine Lin đã xin nghỉ việc tại một cơ quan chính quyền ở thành phố Thâm Quyến vào tháng 7 sau khi mức lương 15.000 nhân dân tệ (2.000 USD) của cô giảm một phần tư, các khoản thưởng đều bị hạn chế và ban quản lý ám chỉ việc cắt giảm nhân sự. “Một số bộ phận chọn cách giảm lương 30% hoặc sa thải nhân viên để tiết kiệm ngân sách”, cô Lin tiết lộ. Ít nhất 3 cơ quan cấp quận ở Thâm Quyến đã được sáp nhập và 9 nhân viên bị sa thải trong năm nay, theo các thông báo công khai.

Một công chức khác ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Đông mô tả mức lương 4.000 nhân dân tệ (550 USD) của mình là nghèo ổn định sau khi các khoản thưởng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) hàng tháng bị cắt bỏ kể từ hồi tháng 6. Tại Sơn Đông, nhiều công chức đã phàn nàn trên mạng xã hội rằng mỗi quý họ chỉ được trả lương một tháng.

Tuy nhiên, bất chấp các khó khăn về tài chính, tình trạng thất nghiệp cao trên toàn quốc vẫn thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với các vị trí công chức, từ con số 14.500 vào năm 2019 lên 39.700 trong năm nay.

Trên thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã đối mặt với lời kêu gọi cải cách khu vực nhà nước. Nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã âm thầm cắt giảm hàng chục nghìn vị trí trong khu vực công, chủ yếu thông qua giảm tuyển dụng và không thay thế nhân viên nghỉ hưu.

Tuy nhiên, số lượng công chức của Trung Quốc vẫn tăng từ 6,9 triệu vào năm 2010 lên 8 triệu vào năm nay, chưa bao gồm ít nhất 31 triệu nhân viên công khác như giáo viên và nhân viên y tế…

Có thể bạn quan tâm