Những yếu tố định hình chiến lược của nhà đầu tư toàn cầu vào châu Á năm 2025

Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức, các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm cách định hình lại chiến lược nhằm quản lý tốt rủi ro, đặc biệt là từ những thay đổi chính sách ở Mỹ và đồng đôla mạnh lên...

Những yếu tố định hình chiến lược của nhà đầu tư toàn cầu vào châu Á năm 2025

Theo hãng tin Bloomberg, nhà đầu tư đang tập trung vào cơ hội từ một số cổ phiếu chip và ngân hàng, cũng như trái phiếu niêm yết bằng USD. Vị thế là tài sản “tránh bão” của vàng cũng được dự báo sẽ duy trì mạnh mẽ trong năm tới.

Trong số các thị trường châu Á, Indonesia, với thị trường nội địa mạnh, xuất hiện nổi bật trong chiến lược của các nhà đầu tư. Trung Quốc cũng đang thu hút sự quan tâm trong khi nhà chức trách đẩy mạnh nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế. Còn Ấn Độ tiếp tục nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư nhờ tăng trưởng kinh tế trong nước mạnh mẽ và đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi.

SỰ TRỞ LẠI CỦA ÔNG TRUMP VÀ USD MẠNH

Tuy nhiên, châu Á cũng đối mặt nhiều rủi ro khi là châu lục có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Biến động tiền tệ, lợi nhuận doanh nghiệp giảm và tăng trưởng giảm tốc trong năm mới làm tăng thêm thách thức cho châu Á, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khu vực này không còn nhiều dư địa để nới lỏng chính sách.

“Trên toàn cầu, việc các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách từ đầu năm nay đã giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế”, bà Carol Lye, quản lý danh mục tại Brandywine Global Investment Management, nhận xét. “Tuy nhiên, với sự trở lại của ông Trump, chúng tôi dự báo sẽ có nhiều biến động từ chính sách của Mỹ và do đó làm gia tăng biến động cho các thị trường tài chính”.

Bà Lye cho biết sẽ ưu tiên giao dịch đồng yên trong năm 2025 bởi chính sách tiền tệ của Nhật có chênh lệch lớn so với các nước trong nhóm 10 nước kinh tế phát triển G10. Trong khi đó, các đồng tiền khác tại châu Á có thể sẽ có năm thứ 5 giảm giá so với USD. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong năm 2024, đồng USD mạnh đã khiến lợi nhuận từ trái phiếu bằng đồng nội tệ châu Á giảm khoảng 3 điểm phần trăm.

CỔ PHIẾU TRUNG QUỐC

Trong bối cảnh thay đổi thuế quan ở Mỹ sắp tới đe doạ ngành xuất khẩu, tại Hội nghị kinh tế trung ương thứ Năm tuần trước, các quan chức Trung Quốc tuyên bố sẽ nới trần thâm hụt ngân sách để thúc đẩy tiêu dùng trong năm tới. Tuyên bố này theo sau cam kết có thêm các biện pháp kinh tế được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc tuần trước.

“Các nhà đầu tư có thể nắm bắt cơ hội từ sự phục hồi của Trung Quốc bằng cách mua cổ phiếu niêm yết ở nước này, nhóm ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro thuế quan và nhạy cảm hơn với các hỗ trợ chính sách trong nước”, ông George Efstathopoulos, một quản lý danh mục tại Fidelity, khuyến nghị.

Theo các chiến lược gia của ngân hàng Thụy Sỹ UBS, dù người tiêu dùng và doanh nghiệp bất động sản có thể là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ các chính sách kích thích kinh tế, cổ phiếu ngân hàng – với định giá thấp và cổ tức cao – có thể là một kênh “trú ẩn” trong bối cảnh bất ổn vĩ mô.

Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục mua vào trái phiếu chuyển đổi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro tiền tệ, còn ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. khuyến nghị mua vào trái phiếu chính phủ bởi các nỗ lực kích thích kinh tế có thể bao gồm việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài.

TĂNG TRƯỞNG Ở ẤN ĐỘ

Trong khi Trung Quốc vật lộn với tăng trưởng giảm tốc, Ấn Độ lại đang ở vị thế thuận lợi là một điểm đến thay thế cho các nhà sản xuất chuyển hoạt động khỏi nước này. Nền kinh tế với động lực chính đến từ thị trường nội địa cũng giúp Ấn Độ giảm các rủi ro từ bên ngoài. Sự suy yếu gần đây của nền kinh tế nước này được đánh giá là tạm thời.

“Những cải cách đang diễn ra, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng được dự báo sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp Ấn Độ trong dài hạn”, ông Vis Nayar, giám đốc đầu tư của Eastspring Investments, nhận xét.

Ông cho biết đang ưu tiên các cổ phiếu vốn hóa lớn trong lĩnh vực tài chính, viễn thông và y tế Ấn Độ.

Tuy nhiên, một bộ phận nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng về định giá cao của cổ phiếu Ấn Độ bất chấp tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm. Điều này là một thách thức với thị trường cổ phiếu Ấn Độ khi chuẩn bị có năm thứ 9 tăng điểm liên tiếp.

SỨC HẤP DẪN CỦA ĐÔNG NAM Á

Sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đang mang lại lợi ích lớn cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó Indonesia là một trong những điểm sáng nhờ nền kinh tế nội địa mạnh, lĩnh vực hàng hóa phát triển và ngân hàng trung ương chú trọng ổn định tiền tệ.

Amundi, Allianz Global Investors và Fidelity đánh giá trái phiếu chính phủ Indonesia là một lựa chọn tiềm năng. Trong khi đó, bà Julie Ho, quản lý danh mục chứng khoán châu Á không tính Nhật Bản, khuyến nghị đầu tư cổ phiếu ngân hàng Indonesia do nhóm này đang được định giá ở mức hợp lý.

“Việt Nam được dự báo sẽ củng cố vị trí là một cường quốc xuất khẩu trong tương lai”, bà Wenting Shen, chiến lược gia về giải pháp đầu tư đa tài sản và quản lý danh mục tại T. Rowe Price, nhận xét. “Triển vọng được đưa vào chỉ số FTSE thị trường mới nổi có thể giúp thúc đẩy triển vọng của chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn”.

Xem thêm

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…