Quốc gia giàu có nhờ dầu mỏ Iran thường xuyên được đem ra so sánh với Libya và Venezuela, nơi có trữ lượng dầu đã được chứng minh là lớn hơn cả Arab Saudi, cho vị trí quốc gia có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới.
Nhưng giờ đây, khoảng cách ngày càng chênh lệch giữa nguồn cung (vốn bị hạn chế bởi năng lực lọc dầu trong nước) và nhu cầu ngày càng tăng đã buộc chính quyền Iran phải khai thác nguồn dự trữ chiến lược và nhập khẩu xăng dầu lần đầu tiên sau một thập kỷ.
Điều này xảy ra vào thời điểm khó khăn đối với Tổng thống Ebrahim Raisi và chính quyền của ông, vốn đã phải vật lộn để xoay chuyển nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Khi chính phủ chịu mức thua lỗ đáng kể do nhập khẩu nhiên liệu theo giá thị trường và sau đó bán cho người tiêu dùng với giá thấp hơn nhiều, áp lực lại trở nên lớn hơn bao giờ hết khi người dân đã quá quen với những năm tháng sử dụng xăng dầu siêu rẻ.
Các khoản trợ cấp lớn của nhà nước đảm bảo rằng giá xăng ở Iran bắt đầu chỉ từ 0,029 USD/lít, một phần rất nhỏ so với mức 1,1 USD/lít ở Mỹ hoặc 1,88 USD/lít ở Anh.
Ông Mohammad-Reza Mir-Tajeddini, một thành viên của quốc hội, nói với truyền thông địa phương trong tuần này rằng các khoản trợ cấp nhiên liệu hiện đã gấp ba lần tổng ngân sách phát triển của đất nước, nhưng không ai dám nói về việc tăng giá xăng dầu. Bởi làm như vậy sẽ có nguy cơ lặp lại sự phẫn nộ của công chúng sau lần chính quyền tăng giá vào năm 2019. Hơn 300 người đã thiệt mạng trong một cuộc đàn áp sau đó đối với các lượt biểu tình bạo lực trên đường phố, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.
“Tình hình giá xăng dầu thấp như hiện nay là không ổn, nhưng chính phủ không có can đảm chính trị để tăng giá. Mức tiêu thụ tiếp tục tăng và chính phủ lại đang nhập khẩu xăng theo giá toàn cầu và rồi bán với giá trợ cấp. Nếu giữ nguyên như vậy, Iran sẽ chẳng thể quản lý nhu cầu trong thời gian hai năm tới”, ông Hamid Hosseini, một nhà kinh doanh hóa dầu cho biết.
Theo chia sẻ của ông Ali Ziyar, phó giám đốc Công ty phân phối và lọc dầu quốc gia Iran, mức tiêu thụ đã tăng 20% kể từ tháng 3 lên 124 triệu lít mỗi ngày, nhưng công suất lọc dầu trong nước bị giới hạn ở mức 107 triệu lít.
Ông Ziyar xác nhận rằng Iran đã triển khai kho dự trữ chiến lược của mình, nhưng không xác nhận suy đoán rằng nhiên liệu tinh chế cũng được nhập khẩu, là lần đầu tiên sau khoảng một thập kỷ.
Giới phân tích tin rằng Iran đã mua xăng dầu từ các nước láng giềng phía bắc Biển Caspi vào đầu năm nay và gần đây hơn là từ các quốc gia vùng Vịnh và châu Á, nhưng các thỏa thuận này được giữ im lặng để bảo vệ người bán khỏi xung đột với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Một nhà phân tích cho biết: “Tình hình hiện nay khiến chính phủ chịu áp lực phải trả tiền nhập khẩu và đẩy nhanh các dự án phát triển để tăng công suất lọc dầu”.
Đối với những người Iran coi nhiên liệu giá rẻ là quyền lợi bẩm sinh vì đất nước của họ nằm trên một số trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới, tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính phủ hiện nay là việc họ không quan tâm.
“Chúng tôi có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ - không giống như các nước khác - vậy tại sao chúng tôi phải chấp nhận giá tăng? Lương của chúng tôi có được trả dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế không? Tôi kiếm được 200 USD một tháng. Ai trên thế giới có mức lương thấp như vậy chứ?”, anh Ali, một tài xế taxi 32 tuổi thẳng thắn cho biết.