Kenya: Quần áo từ thiện gây khủng hoảng ô nhiễm nhựa

1/3 số quần áo cũ được vận chuyển đến Kenya vào năm 2021 được coi là rác thải nhựa trá hình, gây ra hàng loạt vấn đề về môi trường và sức khỏe cho cộng đồng địa phương…
ô nhiễm nhựa

Mỗi năm, có hàng tấn quần áo quyên góp được gửi đến các nước nghèo và đang phát triển, nhưng ước tính khoảng 30% trong số đó thường bị đưa đến các bãi rác địa phương. 

Một nghiên cứu mới đây dựa trên dữ liệu hải quan cũng như nghiên cứu thực địa của tổ chức phi lợi nhuận Wildlight và nhóm hoạt động Clean Up Kenya cho thấy vấn đề này đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở Kenya, nơi có khoảng 900 triệu bộ quần áo cũ được gửi đến mỗi năm.

Trong đó, từ 20% đến 50% không đạt đủ chất lượng để quyên góp hay bán trên thị trường đồ cũ. Tình trạng này dẫn đến việc quần áo cũ bị biến thành khăn lau công nghiệp, nhiên liệu rẻ tiền, hoặc bị vứt tại các “nghĩa địa nhựa” bên ngoài thủ đô, chẳng hạn như bãi rác Dandora. Rất nhiều công nhân nhặt rác hoặc cư dân gần đó đã mắc các bệnh về hô hấp và hen suyễn do hít phải khói từ việc đốt nhựa tại Dandora. 

ô nhiễm nhựa

Ngoài ra, hàng tấn hàng dệt may cũng bị đổ xuống sông Nairobi, cuối cùng phân hủy thành các sợi microfiber có hại cho nguồn nước và hệ sinh thái dưới nước. 

ô nhiễm nhựa

Báo cáo của Wildlight và Clean Up Kenya cho biết: “Hơn một phần ba số quần áo đã qua sử dụng được vận chuyển đến Kenya là một dạng rác thải nhựa được ngụy trang và là một yếu tố lớn gây ô nhiễm nhựa ở quốc gia này”. Báo cáo cũng tiết lộ, có rất nhiều mặt hàng quần áo bị dính hoá chất hoặc rách nát, trong khi những số khác lại khó có thể sử dụng tại thời tiết nóng ấm như ở Kenya. 

“Tôi đã thấy người ta mở các kiện hàng có chứa dụng cụ trượt tuyết và quần áo mùa đông, những thứ chẳng hề có tác dụng đối với người dân Kenya. Tôi hy vọng các tổ chức từ thiện sẽ phân loại lại một cách cẩn thận hơn trước khi chuyển đồ đến Kenya và cả những nơi khác” ông Betterman Simidi Musasia, người sáng lập Clean Up Kenya, nói với AFP.

Các chuyên gia cho biết vấn đề lãng phí quần áo đã trở nên trầm trọng hơn do sự bùng nổ thời trang nhanh ở các quốc gia giàu có, nơi mà các sản phẩm có thể chỉ được mặc một vài lần trước khi bị vứt đi. 

“Nhiều quốc gia trên toàn cầu đang sử dụng việc buôn bán quần áo đã qua sử dụng hay quyên góp từ thiện như một van xả áp để giải quyết vấn đề lãng phí của thời trang nhanh”, ông Musasia nhận xét. 

Kết luận, nghiên cứu của Wildlight và Clean Up Kenya kêu gọi các nhà sản xuất thúc đẩy sử dụng vật liệu không độc hại và bền vững trong quy trình dệt may, đồng thời thiết lập và mở rộng các tiêu chuẩn trách nhiệm đối với nhà sản xuất trên khắp thế giới.

Có thể bạn quan tâm