“Kinh tế thú cưng” bùng nổ tại Trung Quốc

Bất chấp nền kinh tế chung đang gặp khó khăn trong việc phục hồi, thị trường hàng hoá và dịch vụ cho thú cưng của Trung Quốc đã cho thấy tiềm năng đáng chú ý khi quy mô ở khu vực thành thị nói riêng tiếp tục chứng kiến mức tăng ấn tượng…

107342998-1701743151350-gettyimages-1518501833-china-cpi-1152.jpeg

Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều người coi vật nuôi là một thành viên gia đình. Xu hướng này đang bùng nổ ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Thậm chí, việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho vật nuôi đã tạo nên một làn sóng kinh tế mới với tên gọi "kinh tế thú cưng".

Ông Li Guanlin, 60 tuổi hiện đang sinh sống ở Thiên Tân (Trung Quốc), thường xuyên chiều chuộng chú chó cưng thuộc giống Golden Retriever của mình với thức ăn, snack và đồ chơi cao cấp. Đồng thời cứ hai tuần một lần sẽ đưa nó đến một cửa hàng làm đẹp cho thú cưng để tắm và chải lông, dành cho nó sự quan tâm và chăm sóc giống như một đứa trẻ. “Tôi đã chi không dưới 60.000 nhân dân tệ (khoảng 8.418 USD) để chăm sóc thú cưng của mình trong 5 năm qua”, ông Li cho biết.

Zhao Yang, một phụ nữ trẻ đang làm việc tại Thiên Tân, chia sẻ: “Mỗi lần đi làm về, chú mèo cưng yêu quý lại ngồi trước cửa chờ tôi. Những mệt mỏi, lo lắng đều như tan biến”. Đây là chú mèo cưng đã đồng hành cùng cô qua những lúc cô đơn.

KINH TẾ THÚ CƯNG VÀ CHUỖI CÔNG NGHIỆP TRIỆU ĐÔ

Thị trường thú cưng được đánh giá là một chuỗi công nghiệp bao gồm toàn bộ vòng đời của thú cưng, từ góc độ thức ăn, quần áo, chuồng đệm, phương tiện đi lại, điều trị y tế, vui chơi và các nhu cầu riêng khác. Nhiều ý kiến dự báo, trong tương lai, nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo liên quan đến thú cưng như thiết kế nhà ở thân thiện với thú cưng, chăm sóc thú cưng cao tuổi và phụ kiện thú cưng thông minh sẽ ngày càng lớn mạnh và trở thành một lĩnh vực tiềm năng với giá trị lên đến hàng triệu USD.

Theo sách trắng về thị trường kinh doanh thú cưng của Trung Quốc, có hơn 70,43 triệu người nuôi thú cưng (chó và mèo) ở thành thị Trung Quốc vào năm 2022, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Và dữ liệu từ công ty tư vấn Frost & Sullivan cho thấy số lượng thú cưng ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 446 triệu vào cuối năm 2024.

William Chen, phó chủ tịch khu vực Trung Quốc đại lục của Nestle Purina PetCare (công ty sản xuất thức ăn cho thú cưng thuộc Tập đoàn Nestle) cho biết, ngành thú cưng Trung Quốc mới tồn tại chưa đầy 30 năm, nhưng với sự cải thiện về mức sống của người dân và những thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng hộ gia đình, thị trường này đang phát triển với tốc độ cực kỳ đáng chú ý.

Theo công ty nghiên cứu iiMedia Research, quy mô ngành kinh tế thú cưng của Trung Quốc đã đạt 493,6 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 811,4 tỷ nhân dân tệ (84,6 tỷ USD) vào năm 2025.

6597c71ba3105f211c84f196-5245.png

Chính tiềm năng tăng trưởng khổng lồ như vậy đã thu hút nhiều công ty trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Tập đoàn Nestle của Thuỵ Sĩ đã xây dựng một nhà máy sản xuất thức ăn cho thú cưng ở Trung Quốc ngay từ năm 2007. Vào tháng 4/2023, Nestle Purina PetCare đã xây dựng một dây chuyền sản xuất thức ăn đóng hộp cao cấp cho thú cưng tại thành phố Thiên Tân. Đây là dây chuyền sản xuất thức ăn cho thú cưng lớn thứ tư của Nestle trên thế giới và đầu tiên bên ngoài Châu Âu và Mỹ.

Cố gắng không chịu thua kém đối thủ nước ngoài, một công ty thức ăn vật nuôi Trung Quốc đặt trụ sở tại Thiên Tân có tên Yuanchuangpinzhi đã thiết lập hai dây chuyền sản xuất tự động hóa thức ăn cho vật nuôi, bao gồm cả thức ăn đóng hộp cho mèo, đến nay đã hoạt động hết công suất kể từ tháng 9/2022. Theo tiết lộ của nhà đồng sáng lập công ty, kể từ khi thành lập vào năm 2018, Yuanchuangpinzhi đã đạt doanh thu hàng năm trên 100 triệu

Wang Chen, nhà đồng sáng lập công ty lưu ý: “Chúng tôi chủ yếu tham gia vào R&D, sản xuất và bán thức ăn cho vật nuôi. Kể từ khi thành lập vào năm 2018, công ty đã đạt doanh thu hàng năm trên 100 triệu nhân dân tệ”.

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt biện pháp quản lý và chính sách quản lý đối với việc điều trị bệnh, thuốc và thực phẩm cho thú cưng để hỗ trợ sự phát triển của ngành. Trích dẫn dữ liệu từ qcc.com, một nền tảng hệ thống điều tra tín dụng doanh nghiệp, Trung Quốc hiện có hơn 2,47 triệu doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thú cưng, với gần một triệu công ty khởi nghiệp mới có liên quan vào năm 2022.

DỊCH VỤ XA XỈ CHO THÚ CƯNG LÊN NGÔI

b083fe955aa11838d1e206-4767.jpg
Một khách sạn thú cưng cao cấp tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Không chỉ riêng phân khúc thức ăn vật nuôi mới phát triển nhanh chóng mà các danh mục khác như chăm sóc thú cưng, làm đẹp, đào tạo và bảo hiểm cũng ngày càng lớn mạnh. Bệnh viện thú cưng Ringpai, được thành lập vào năm 2012, đã thành lập gần 600 phòng khám thú cưng tại 70 thành phố ở Trung Quốc, tiếp nhận hơn 3 triệu thú cưng mỗi năm. Hu Wenqiang, chủ tịch luân phiên của bệnh viện trả lời phóng viên: "Ngành chăm sóc sức khỏe thú cưng là một thị trường có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Chúng tôi dự kiến sẽ đạt đến cột mốc 1.000 phòng khám thú cưng vào năm 2025".

Những thay đổi trong quan niệm nuôi thú cưng cũng khiến mọi người sẵn sàng đầu tư thêm nhiều tiền và công sức để đáp ứng nhu cầu riêng cho thú cưng của mình. Tổng mức tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ cho vật nuôi tại Trung Quốc đã cho thấy xu hướng tiến tới các sản phẩm và dịch vụ cao cấp hơn.

Điều đầu tiên Lu Yan làm sau khi trở về Bắc Kinh vào cuối tuần là đón "đứa con lông xù" của mình. Cô đã gửi chú mèo Anh lông ngắn 3 tuổi của mình ở một khách sạn dành cho thú cưng trước khi cô lên đường về quê nghỉ lễ 2 tuần. “Hầu hết thời gian, tôi sẽ gửi thú cưng của mình đến khách sạn nếu phải rời Bắc Kinh để đi công tác dài ngày hoặc đi nghỉ dưỡng du lịch”, Lu Yan cho biết. Nhưng nếu chỉ đi vắng vài ngày, Lu sẽ thuê một bảo mẫu thú cưng chuyên nghiệp đến nhà 1-2 lần mỗi ngày để chăm sóc chú mèo của mình.

Lu Yan đã chi khoảng 2.000 nhân dân tệ (278 USD) trong thời gian gửi mèo, đồng thời chọn dịch vụ phòng nghỉ cao cấp để chú mèo của mình có không gian đi lại và có camera theo dõi các hoạt động hàng ngày. Việc tìm đến các cơ sở nội trú này là bởi cô sợ mèo ở nhà hoặc gửi đến nhà người quen sẽ dễ bị cô đơn và không được chăm sóc y tế kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

180373d28c1019f35df21c-2133.jpg

So với những vật nuôi như thằn lằn, cá hay chim, có thể sống tốt trong không gian nhỏ và yêu cầu tương tác hàng ngày tối thiểu, chó và mèo năng động hơn và cần được chăm sóc, bầu bạn và có không gian để di chuyển. Tất cả những yếu tố này đã góp phần vào sự gia tăng nhanh chóng các dịch vụ chăm sóc thú cưng.

Wang Can, chủ sở hữu khách sạn Maotuotuo ở Bắc Kinh, giới thiệu rằng hệ thống khách sạn của họ có 5 địa điểm dành riêng cho mèo, với mỗi nơi khoảng 29 phòng có kích cỡ và giá tiền khác nhau. Khách sạn Maotuotuo thường xuyên kín khách vào các dịp lễ Tết. “Các vị trí của chúng tôi thường được đặt ở những khu phố yên tĩnh, không bị ồn ào đường phố. Tất cả các phòng đều tách biệt và đồ nội thất bằng gỗ cùng hệ thống DOAS (hệ thống điều hoà không khí 2 chiều chuyên dụng) và camera giám sát 24/7”, cô Wang Can giải thích.

Ngoài việc thường xuyên cho ăn uống và dọn cát cho mèo, nhân viên của Maotuotuo còn có nhiệm vụ chơi với chúng bốn lần một ngày. Nếu mèo gặp trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, nhân viên khách sạn sẽ phải có phản ứng tiếp cận xử lý trong vòng 20 phút, ngay cả vào nửa đêm.

Tất cả các chú mèo đến đây đều được yêu cầu có giấy chứng nhận tiêm chủng cần thiết, có sức khoẻ tốt và mới được tẩy giun để không gây ảnh hưởng đến các “khách hàng” khác.

65d69d2ca31082fc2b68ef6a-4760.jpeg
Một bảo mẫu mèo (áo hồng) đến nhà khách hàng để tìm hiểu thông tin về các chú mèo mà cô sẽ chăm sóc

Bên cạnh dịch vụ lưu trú, Maotuotuo Hotel cũng cung cấp các “bảo mẫu thú cưng” đến tận nhà. Dịch vụ này bao gồm việc mở cửa sổ để đón không khí trong lành, dọn dẹp không gian sống của mèo cũng như báo lại tình trạng sức khoẻ, ăn uống của thú cưng tới chủ nhân của chúng. “Nếu khách hàng không lắp camera tại nhà, chúng ta sẵn sàng thực hiện các cuộc gọi AR (thực tế tăng cường) mỗi khi đến”, cô Wang Can cho biết.

Ông Hong Tao, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Tiêu dùng Trung Quốc, cho rằng tiêu dùng liên quan đến thú cưng là một hiện tượng tiêu dùng hiện đại. Tuy nhiên, việc mở rộng quá nhanh và quá mạnh của “nền kinh tế thú cưng” đồng nghĩa với việc phải có các chính sách quản lý liên quan để hướng dẫn sự phát triển lành mạnh và bền vững của ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để phản ánh chính xác mức giá mà họ đưa ra.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…