Lạm phát sẽ cao hơn dưới thời Trump so với Biden?

Một cuộc khảo sát mới của Wall Street Journal cho thấy đa số các nhà kinh tế được hỏi tin rằng các chính sách của ông Donald Trump có khả năng tái thúc đẩy lạm phát lên cao hơn so với các chính sách của Tổng thống Joe Biden…

Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024: Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump (bên trái) và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024: Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump (bên trái) và ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden

Trong số 50 nhà kinh tế đã trả lời các câu hỏi của Wall Street Journal (WSJ) về các chính sách kinh tế của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden, 28 người cho rằng rủi ro lạm phát cao trở lại sẽ lớn hơn trong các kế hoạch mà ứng cử viên Đảng Cộng hòa đề xuất, so với các chính sách của Tổng thống Đảng Dân chủ đương nhiệm.

Ngược lại, có 8 nhà kinh tế lại cho rằng lạm phát sẽ tồi tệ hơn dưới thời ông Biden so với ông Trump. Số còn lại, 14 người, tin rằng sự khác biệt giữa hai chính sách là không đáng kể.

Cụ thể, nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích Phố Wall lưu ý, các đề xuất thuế quan cứng rắn của ông Trump — bao gồm mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, kèm theo mức thuế đặc biệt từ 60% đến 100% đối với Trung Quốc — có thể làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn.

Ông Donald Trump cũng muốn thắt chặt nhập cư, điều này có thể cắt đứt dòng lao động nhập cư vốn đã hỗ trợ cho thị trường mạnh mẽ của Mỹ mà không làm tái bùng phát lạm phát.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế coi ông Joe Biden mới là mối đe dọa lạm phát lớn hơn khi họ trích dẫn các gói chi tiêu tốn kém.

Tuy nhiên, 51% nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của WSJ đều ước tính rằng thâm hụt liên bang sẽ tăng cao hơn dưới thời ông Trump, người đã đề xuất cho các khoản cắt giảm thuế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông trở thành vĩnh viễn. Trong khi đó, 22% nhà kinh tế nghĩ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với ông Biden, một phần do xu hướng ủng hộ chi tiêu chính phủ từng được thấy nhiều lần trong lịch sử của Đảng Dân chủ.

Cuộc khảo sát này của WSJ đã được đội ngũ của ông Joe Biden sử dụng để củng cố cho lý do tái tranh cử của ông. “Khi lạm phát đang giảm và sản xuất đang bùng nổ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden, các chuyên gia đang đưa ra một cảnh báo rõ ràng về những gì mà chính sách của Donald Trump có thể mang lại”, người phát ngôn của chiến dịch Biden-Harris 2024 Sarafina Chitika tuyên bố.

Đội ngũ của ông Donald Trump không trả lời yêu cầu bình luận của CNBC về cuộc khảo sát.

Cuộc khảo sát công bố mới đây của WSJ bổ sung vào danh sách ngày càng tăng các nhà kinh tế, bao gồm 16 người đoạt giải Nobel Kinh tế, đã chú ý đến những nguy cơ lạm phát mà họ dự đoán trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 5 đến ngày 9/7, công bố một ngày sau khi Chỉ số Giá tiêu dùng hàng tháng cho thấy lạm phát giảm 0,1% trong tháng 6 so với tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên trong hơn bốn năm chỉ số CPI cho thấy sự giảm sút hàng tháng, một dấu hiệu lạc quan cho nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn trong việc phục hồi từ mức lạm phát cao sau đại dịch Covid-19.

Cuộc khảo sát cũng diễn ra khi tương lai chính trị của ông Joe Biden trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ gây ra nhiều tranh cãi và nghi ngờ.

Kể từ màn tranh luận đáng thất vọng của ông Biden trước Donald Trump vào tháng 6 vừa qua, ngày càng có nhiều thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội, các nhà tài trợ và cử tri nói rằng họ nghĩ Tổng thống Biden nên rút khỏi cuộc đua và đảng nên chọn một ứng viên mới để đối đầu với ông Trump.

Ông Biden cho đến nay đã bác bỏ mọi áp lực rút lui, quyết tâm ở lại trong cuộc đua và cố gắng chuyển hướng “mũi dùi” dư luận trở lại phía ông Trump.

Trong một cuộc họp báo đầy “biến cố” vào hôm 11/7 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra những cảnh báo quen thuộc về các đề xuất kinh tế của ông Trump, bao gồm chính sách thuế quan toàn cầu cứng rắn, gia hạn cắt giảm thuế và gây áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giảm lãi suất.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đưa ra lưu ý rằng quyền lực và sức ảnh hưởng của tổng thống đối với nền kinh tế là không quá lớn như cả hai ứng cử viên đang cố thể hiện. Thay vào đó, sức khỏe của nền kinh tế phần lớn chịu tác động hỗn hợp từ các chính sách và quyết định của cả tổng thống, Quốc hội, các cơ quan chính phủ độc lập và Cục Dự trữ Liên bang, cùng vô số yếu tố bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai.

Xem thêm

"Donald Trump 2.0" sẽ như thế nào?

"Donald Trump 2.0" sẽ như thế nào?

Mỗi cuộc bầu cử đều được coi là bước ngoặt của Hoa Kỳ, đặc biệt là với viễn cảnh của “Trump 2.0”. Những người ủng hộ ông Trump hy vọng vào một cuộc cách mạng. Nhưng với phần lớn các quốc gia và phần còn lại của thế giới, “Trump 2.0” lại có thể là một rủi ro đáng báo động...

“Kinh tế Biden” hay “kinh tế Trump” sẽ tốt hơn cho người dân Mỹ?

“Kinh tế Biden” hay “kinh tế Trump” sẽ tốt hơn cho người dân Mỹ?

Kinh tế hiện là mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ khi họ theo dõi cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump. Trong đó, 8 lĩnh vực kinh tế chính là trọng tâm của cuộc thảo luận, những khía cạnh ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân…

Ý kiến bạn đọc

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Có thể bạn quan tâm

Lửa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã lan đến Phố Tàu New York

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lửa lan tới "Phố Tàu" New York

Tuần trước, một gói bánh gạo tại cửa hàng tạp hóa Sun Vin trên phố Mulberry ở khu phố Tàu của New York có giá 4,99 USD. Nhưng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều. Hiện tại, loại bánh quy này có mức giá mới: 6,99 USD...

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc, tự xưng là đơn vị sản xuất cho hàng loạt thương hiệu xa xỉ, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng “trả đũa” trên TikTok khi chào bán các sản phẩm “dupe” giá rẻ như một phản ứng trước thuế quan của Mỹ đối với quốc gia này…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Từ Apple và Boeing đến Nike và Starbucks và cả Tesla đều đang trở thành nạn nhân trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Trung Quốc có những quyết định cứng rắn với hoạt động của các ông lớn này tại thị trường quan trọng nhất của họ...