Liên minh châu Âu khó có khả năng áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ ngay lập tức đối với Nga vì cuộc tấn công vào Ukraine, theo hai nguồn tin có hiểu biết về các cuộc thảo luận tiết lộ với CNBC.
Hoa Kỳ đã quyết định cấm nhập khẩu mặt hàng này vào đầu tháng 3, nhưng các đồng minh quốc tế cho đến nay vẫn chưa làm điều tương tự do sự phụ thuộc lớn vào năng lượng của Nga. Năm 2020, nhập khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 25% lượng dầu mua vào của EU, theo văn phòng thống kê của khu vực.
Sự miễn cưỡng của EU trong các vấn đề dẩu mỏ của Nga đã khiến giá giảm vào sáng 22/3. Giá dầu Brent giao sau giảm khoảng 0,6% trong đầu giờ giao dịch xuống 114,96 USD / thùng.
Trong khi Ba Lan và các quốc gia Baltic là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc hạn chế mua dầu của Nga, các quốc gia khác - đặc biệt là Đức và Hungary - lại lo ngại về ý nghĩa của bước đi này đối với giá cả.
“Chỉ có một số quốc gia ủng hộ [lệnh cấm vận dầu mỏ]”, một quan chức EU, người không muốn nêu tên do tính nhạy cảm của các cuộc đàm phán, nói với CNBC.
Một quan chức EU giấu tên thứ hai cho biết: “Các cuộc thảo luận vẫn tiếp tục nhưng khả năng sẽ không có quyết định nào trong tuần này trừ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục có những hành động leo thang căng thẳng.”
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tập trung tại Brussels (Bỉ) vào cuối tuần này để thảo luận sâu hơn nữa về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng sẽ tham dự.