Livestream - công cụ giúp các tiệm may Hồng Kông “sống sót” qua đại dịch

Giống như kim chỉ hay vải vóc, việc sử dụng điện thoại để livestream bán hàng nay đóng vai trò quan trọng đối với tiệm may của anh Roshan Melwani và nhiều doanh nghiệp khác ở Hồng Kông.
thợ may Hồng Kông

Trong nhiều thập kỷ, gia đình Melwani đã may trang phục cho những khách hàng có tiếng, từ tổng thống Mỹ đến giới quý tộc và những ngôi sao từ khắp nơi trên thế giới. 

Nhưng đại dịch Covid-19 vừa qua gần như đã nhấn chìm công việc kinh doanh của họ - giống như nhiều doanh nghiệp may mặc phát đạt một thời của Hồng Kông nay đã không còn tồn tại.

Rất ít nơi vẫn bị cô lập với quốc tế lâu như Hồng Kông, một sự cô lập mà chính quyền thành phố chỉ mới bắt đầu nới lỏng trong hai tháng qua.

Do đó, cửa hàng Sam's Tailors của Roshan Melwani đã phải phụ thuộc vào việc bán hàng trực tuyến trong hầu hết 2 năm rưỡi qua, rất lâu sau khi các đối thủ ở Saville Row, Milan và New York được phép mở cửa trở lại.

Bạn phải hiểu rằng nếu không có khoản tiết kiệm trong 60 năm 'trợ lưng' phía sau, thì chúng tôi khó có thể vượt qua được đại dịch“, Roshan Melwani, một người thợ may thế hệ thứ ba của gia đình, chia sẻ với hãng thông tấn Pháp AFP sau một ngày “quay cuồng” với các cuộc gọi video từ khách hàng và các buổi phát trực tiếp (livestream) để giới thiệu thiết kế mới. 

Chất lượng, tốc độ và tay nghề

Trước đại dịch, các tiệm may của Hồng Kông là địa điểm không thể bỏ qua đối với nhiều khách du lịch quốc tế nhờ vào danh tiếng về chất lượng - và khả năng may một bộ vest đặt làm riêng trong vòng 24 giờ.

Các bức tường của Sam's Tailors được trang trí bằng hình ảnh của những khách hàng nổi tiếng, từ Bill Clinton, George Bush và Boris Johnson, đến Bruno Mars, Russell Crowe và Meghan Markle.

Nguồn gốc của tay nghề may mặc ở Hồng Kông vốn được bắt nguồn từ Thượng Hải, nơi nổi tiếng về chất lượng vải vóc và sự khéo léo vào đầu thế kỷ XX. Nhiều người trong số những thợ may đó đã chuyển đến Hồng Kông sau năm 1949 và xây dựng nên một danh tiếng cho thành phố trong suốt nửa thế kỷ qua. 

Andy Chan, Chủ tịch Hiệp hội thợ may Hồng Kông, nói với AFP: “Mọi người có thể mua 10 bộ vest ở Hong Kong với tần suất họ mua một bộ ở Saville Row (Anh Quốc).

"Đây là lý do tại sao mọi người đến Hồng Kông để có được một bộ vest đặt làm riêng cho họ."

Tác động từ đại dịch Covid-19

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp may mặc của Hồng Kông đã phải vật lộn với thời trang nhanh và bán hàng trực tuyến. Nhưng đại dịch đã đặc biệt “tàn nhẫn” đối với họ. 

Hồng Kông từ vị thế chào đón 65 triệu người nhập cảnh năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 91.000 người vào năm 2021 trong thời điểm cao điểm của đại dịch, khi tất cả những người nước ngoài đến đây phải trả tiền cho việc cách ly khách sạn trong tối đa ba tuần.

Chúng tôi ước tính trong 4 năm này (2018-2021), hơn 40% số tiệm may phải đóng cửa,” ông Andy Chan than thở.

Hồng Kông mới chỉ loại bỏ yêu cầu cách ly ở khách sạn bắt buộc vào tháng 9/2022, rất lâu sau khi các điểm đến khác tại châu Á như Singapore mở cửa trở lại với thế giới. 

Nhưng ngay cả sau đó, Hồng Kông vẫn hạn chế nơi khách du lịch có thể đi đến trong ba ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh cho đến lúc nhận được kết quả xét nghiệm Covid-19, một biện pháp đã bị gạch bỏ vào đầu tháng này.

Roshan Melwani chia sẻ, có những lúc anh ấy cảm thấy tức giận và bức bối với tình hình đại dịch và công việc kinh doanh nhưng anh ấy cố gắng để không bị suy sụp. "Tôi không để mình có thời gian để rơi vào suy sụp, tôi phải dành thời gian để đưa mình và Sam’s Tailors tiến lên phía trước“.

Có thể bạn quan tâm