Mỹ cân nhắc áp thuế 200% lên nhôm Nga

Hoa Kỳ đang xem xét tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm do Nga sản xuất lên 200% khi nước này tìm cách tăng áp lực lên Moscow về cuộc chiến ở Ukraine.
áp thuế

Vào ngày 6/2, Bloomberg News lần đầu tiên đưa tin về khả năng Hoa Kỳ có thể áp thuế 200% đối với nhôm do Nga sản xuất trong tuần này.

Bình luận về tin tức nói trên, một quan chức giấu tên của Hoa Kỳ cho biết: ”Đó là điều mà chúng tôi đang xem xét nhưng chắc chắn là sẽ không có thông tin chính thức nào được công bố trong tuần này”.

Cũng theo Bloomberg, nhôm của Nga đã nằm trong tầm ngắm của Washington khi có cáo buộc cho rằng Moscow bán phá giá trên thị trường Hoa Kỳ và gây tổn hại cho các công ty Mỹ, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề.

Thoạt nhìn, mục tiêu lớn nhất của Mỹ sẽ là nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới Rusal của tỷ phú Oleg Deripaska. Nhờ Rusal, Nga đã trở thành nước xuất khẩu nhôm lớn thứ hai thế giới sau Canada tính theo USD vào năm 2021.

Hoa Kỳ hiện chỉ chiếm khoảng 7% doanh số bán hàng của Rusal, theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022. Hầu hết doanh số bán hàng của Rusal đến từ EU, tiếp theo là cộng đồng các quốc gia độc lập và châu Á.

Vào tháng 10 năm ngoái, Reuters đưa tin rằng chính quyền TT Mỹ Joe Biden đang cân nhắc các hạn chế đối với việc nhập khẩu nhôm của Nga vì diễn biến cuộc chiến Nga - Ukraine. Sau đó, Nhà Trắng đã từ chối bình luận về các mức thuế mới hoặc các hạn chế khác đối với nhôm của Nga.

Năm 2018, Hoa Kỳ áp đặt mức thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu vào nước này. Mức thuế đó chỉ không áp dụng với một số quốc gia đã đàm phán thỏa thuận về hạn ngạch với Washington, bao gồm Canada, hiện cung cấp khoảng một nửa lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ.

Hiện không rõ liệu chính quyền TT Biden sẽ áp đặt mức thuế cao hơn theo thẩm quyền nào. 

Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thẩm quyền đối với các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, nhưng những loại thuế này đòi hỏi các cuộc điều tra thường kéo dài đến hàng tháng.

Việc xem xét áp thuế cao hơn đối với nhôm của Nga được đưa ra khi giá kim loại được sử dụng rộng rãi này đã giảm mạnh từ mức kỷ lục 4.073 USD/tấn vào tháng 3 năm ngoái xuống còn 2.441 USD đến 2.500 USD/tấn trong tuần này.

Có thể bạn quan tâm