Năm 2023, Iraq dự chi ngân sách 153 tỷ USD, cao kỷ lục từ trước đến nay

Iraq đã thông qua mức ngân sách kỷ lục lên đến 153 tỷ USD nhằm đẩy mạnh tuyển dụng công và giải quyết các vấn đề về dầu mỏ với các nhà lãnh đạo khu vực bán tự trị Kurdistan…

Vào ngày 12/6, Quốc hội Iraq phê duyệt ngân sách trị giá 198,9 nghìn tỷ dinar (153 tỷ USD) cho năm 2023, mức chi tiêu kỷ lục cho quỹ lương công và các dự án phát triển dịch vụ và xây dựng lại cơ sở hạ tầng.

Mohammed Nouri, một thành viên của ủy ban tài chính của quốc hội nói với Reuters trước phiên họp rằng, hơn một triệu công nhân mới sẽ được bổ sung, bao gồm các nhà thầu, nhân viên hàng ngày và nhân viên toàn thời gian. 

Ngân sách dựa trên giá dầu 70 USD/thùng và dự kiến xuất khẩu dầu ở mức 3,5 triệu thùng/ngày (bpd), bao gồm 400.000 thùng/ngày từ khu vực bán tự trị Kurdistan. Đồng thời, tỷ giá hối đoái đối với doanh thu từ dầu mỏ tính bằng USD là 1.300 dinar trên 1 USD.

Theo một tài liệu ngân sách và các nhà lập pháp, thâm hụt ngân sách ước tính ở mức kỷ lục 64,36 nghìn tỷ dinar Iraq, cao hơn gấp đôi so với mức thâm hụt ngân sách cuối cùng vào năm 2021. 

Bên cạnh các dự án về cơ sở hạ tầng, ngân sách bổ sung thêm hơn nửa triệu nhân sự mới trong khu vực công, bất chấp khuyến nghị của nhiều nhà quan sát cho rằng Iraq nên thắt chặt chính sách tài khóa.

Iraq phê duyệt ngân sách

Do phụ thuộc khá nhiều vào giá dầu thô, vì vậy mức tăng ngân sách mới được giới chuyên môn đánh giá là khá cao so với áp lực tài chính. Bởi lẽ, để hòa vốn, Iraq yêu cầu giá dầu là 96 USD/thùng/ngày, trong khi giá trung bình trong tháng 5 là 71,3 USD/ngày.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thị trường dầu thô đang có những diễn biến bất thường, có thể tăng hoặc giảm với biên độ lớn. Như thế, kế hoạch của Iraq cũng đang chưa sát với thực tế. "Việc thắt chặt chính sách tài khoá là cần thiết để tăng cường khả năng phục hồi và giảm sự phụ thuộc của chính phủ vào nguồn thu từ dầu mỏ đồng thời bảo vệ các nhu cầu chi tiêu xã hội quan trọng hơn”, IMF lưu ý. 

Chính phủ Iraq trước đây không có tiếng nói về chi phí thu được từ dầu mỏ của khu vực bán tự trị Kurdistan. Do khu vực này đơn phương xuất khẩu dầu thô qua Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sự phản đối của chính phủ. Tuy nhiên, các quan chức người Kurd đã buộc phải đàm phán lại với chính quyền Baghdad sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng nhập khẩu dầu thô vào tháng 4 khi một phán quyết trọng tài quốc tế coi việc xuất khẩu này của Kurdistan là bất hợp pháp.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa chính phủ Iraq và các nhà lãnh đạo Kurdistan vào tháng 4/2023, một công ty do nhà nước Iraq điều hành, SOMO, sẽ có quyền tiếp thị và xuất khẩu dầu thô được sản xuất từ các mỏ do khu vực người Kurd kiểm soát.

Trên thực tế, ngân sách của Iraq lẽ ra phải được thông qua trước đầu năm nhưng thường xuyên bị trì hoãn hoặc hoàn toàn không được thông qua do bất ổn và tranh chấp chính trị.

Iraq là một trong những quốc gia có dân số tăng nhanh nhất trên thế giới, dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ mức 43 triệu lên khoảng 80 triệu người vào năm 2050, với phần lớn nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo và tỷ lệ thất nghiệp cao thường xuyên dẫn đến các cuộc biểu tình của người dân vì bất mãn.

Có thể bạn quan tâm