Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào 22/6 đã gây bất ngờ cho thị trường với việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây cũng là lần tăng thứ 13 liên tiếp khi các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao kéo dài.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 7-2 ủng hộ việc tăng nửa điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản của BOE lên 5%. Động thái này khác hẳn với kỳ vọng của thị trường, vốn đã định giá khoảng 60% cơ hội tăng 0,25 điểm phần trăm.
Sau thông báo của BOE, đồng bảng Anh trượt giá so với USD, lợi suất trái phiếu viền vàng kỳ hạn 10 năm của Anh (U.K. gilt yields) giảm hơn 0,05 điểm phần trăm.
Dữ liệu mới vào một ngày trước đó (21/6) cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của nước Anh là 8,7% trong tháng 5, không thay đổi so với tháng trước, củng cố dự đoán của thị trường về việc MPC sẽ cân nhắc một đợt tăng lãi suất mới trong tháng 6. Các nhà kinh tế cũng nâng cao kỳ vọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong tương lai.Lạm phát
Đáng lo ngại nhất đối với các nhà hoạch định chính sách là lạm phát cơ bản - không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá dễ biến động - hiện ở mức 7,1% trong tháng 5, tăng từ mức 6,8% trong tháng 4 và đánh dấu tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 3/1992.
Bản tóm tắt được MPC công bố sau cuộc họp cho biết: “MPC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về áp lực lạm phát dai dẳng trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả sự thắt chặt của các điều kiện thị trường lao động cũng như tăng lương và lạm phát giá dịch vụ. Nếu có vẫn còn những tín hiệu về áp lực lạm phát kéo dài, thì cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa”.
Các nhà hoạch định chính sách của Anh đang cố gắng đưa ra các biện pháp vừa đủ để dập tắt áp lực lạm phát mà không gây ra khủng hoảng thế chấp và suy thoái toàn diện. MPC cũng chỉ ra rằng số lượng lớn các khoản thế chấp có lãi suất cố định cho thấy tác động đầy đủ của việc tăng lãi suất cho đến nay vẫn chưa được cảm nhận một cách đầy đủ.
Kể từ cuối năm 2021, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất chính từ 0,1% lên 5%.