Ngành ô tô thế giới bỗng nhiên mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Đáp trả Mỹ, Trung Quốc đã công bố mức thuế bổ sung 25% tương đương 16 USD lên hàng hóa do Mỹ sản xuất. Điều đó bao gồm khoảng 10 tỷ USD lên lượng ô tô mà người lái xe Trung Quốc dự kiến sẽ mua trong n
Ngành ô tô thế giới bỗng nhiên mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Các cán bộ hải quan ở Thượng Hải đã từ chối nhập cảng một lô hàng SUV Mercedes-Benz do Mỹ sản xuất vì những lí do mà họ nói là "rủi ro về an toàn".

Bề ngoài, các mẫu xe Mercedes GLE và GLS có vấn đề với hệ thống phanh sau là lý do mà chính quyền Bắc Kinh muốn xác định rõ ràng trước khi chúng được phép vào trong nước. Nhưng thời điểm tuyên bố, chỉ vài ngày sau khi chính quyền Trump tuyên bố dự định tăng mức thuế quan trong cuộc chiến thương mại của mình, làm cho người Trung Quốc phải trả đũa với mức thuế mới trên các sản phẩm bao gồm ô tô do Mỹ chế tạo, khiến nhiều nhà quan sát cau mày.

"Điều này, thật không may, dường như là một phần của một cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang, và nó có thể đạt đến mức độ điên rồ", Joe Phillippi, người đứng đầu AutoTrends Consulting và là một nhà phân tích ngành ô tô của Wall Street trong thời gian dài cảnh báo.

Chính quyền Trump phải hy vọng tranh chấp với Trung Quốc sẽ không kéo dài, Phillippi nói. Nếu điều này dẫn đến việc cắt giảm mạnh xuất khẩu ô tô của Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến số lượng việc làm trong vài tháng tới. Và điều đó có khả năng sẽ phản tác dụng đối với Trump và đảng Cộng hòa "bởi vì bạn không muốn làm tổn hại đến "trái tim" của ngành công nghiệp Mỹ trong cuộc chạy đua tới cuộc bầu cử giữa kỳ." Đối với Trung Quốc, tranh chấp ngày càng tăng có thể sẽ khiến họ phải dừng lại các kế hoạch cho ngành công nghiệp ô tô, vốn đã được đề xướng ý tưởng sẽ xuất khẩu nhiều hơn.

Đáp trả các mức thuế mới nhất được chính quyền Trump áp dụng, Trung Quốc đã công bố mức thuế bổ sung 25% tương đương 16 USD lên hàng hóa do Mỹ sản xuất. Điều đó bao gồm khoảng 10 tỷ USD lên lượng ô tô mà người lái xe Trung Quốc dự kiến sẽ mua trong năm nay.

Tác động có thể là đáng kể khi xe Mỹ vốn đã bị áp thuế 25% khi đến các cảng Trung Quốc. Ví dụ, chiếc Ford Mustang có giá gốc 35.000 USD nhưng vốn đã phải chịu thuế khoảng 8.750 USD. Bằng cách nhân đôi con số đó, các nhà phân tích như Phillippi cảnh báo rằng Mustang - và một số thương hiệu khác của Mỹ - có thể sẽ bị gạt ra khỏi thị trường ô tô lớn nhất thế giới.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu từ Mỹ một số sản phẩm tuyệt vời của chúng tôi", Ford cho biết trong một tuyên bố cung cấp cho CNBC để trả lời các câu hỏi về mức thuế mới. "Tuy nhiên, với khả năng định giá hạn chế, chúng tôi sẽ giảm khối lượng trên một số mặt hàng xuất khẩu".

Trừ khi Ford có thể tìm thấy thị trường thay thế cho sản phẩm của mình, tác động của một động thái như vậy có thể là mất việc làm của người Mỹ.

Theo những báo cáo, khoảng 276.000 xe Mỹ sản xuất đã được chuyển sang Trung Quốc năm ngoái. Do các mục tiêu đã được xác định, các nhà sản xuất có xu hướng tập trung vào các mẫu xe có giá cao hơn với biên lợi nhuận lớn, chẳng hạn như Navigator, được thiết kế bởi bộ phận cao cấp của Ford - Lincoln.

Nhà sản xuất ô tô có trụ sở ở Detroit thực sự chỉ là hãng xuất khẩu xe lớn thứ ba của Mỹ sang Trung Quốc. Ở đầu danh sách là BMW. Giống như hầu hết các nhà sản xuất ô tô, nó đã thiết lập một mạng lưới các nhà máy toàn cầu, nhiều trung tâm sản xuất các sản phẩm chủ chốt, chẳng hạn như X5 sản phẩm mà hãng xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới. Mercedes-Benz có cách tiếp cận tương tự với nhà máy ở Vance, Alabama. Cả hai đều tập trung vào các mẫu xe đa dụng bởi vì Mỹ là thị trường số 1 cho xe SUV và CUV.

Tràn đầy quyết tâm

Cuộc chiến thương mại diễn ra vào thời điểm đặc biệt tồi tệ cho BMW. Gần đây, nhà sản xuất ô tô này đã thông qua kế hoạch chi 1 tỷ USD cho kế hoạch mở rộng nhà máy tại Spartanburg, South Carolina, khu liên hợp sản xuất lớn nhất thế giới của hãng. Động thái này nhằm tạo ra khoảng 1.100 việc làm mới với việc bổ sung mẫu X7 hoàn toàn mới, chiếc SUV lớn nhất và đắt nhất của BMW.

"Chúng tôi đang tràn đầy quyết tâm," Oleg Satanovsky, một phát ngôn viên của BMW cho biết, mặc dù nhà sản xuất ô tô đã cảnh báo rằng nó có thể cắt giảm dự án nếu một cuộc chiến thương mại toàn cầu nổ ra.

Nhưng Satanovsky đã nhanh chóng bổ sung rằng "chúng tôi sẽ chờ đợi và theo dõi" những gì xảy ra với tranh chấp ở Trung Quốc, vì thị trường đó được kỳ vọng là một yếu tố quan trọng đối với dòng xe X7 mới, cũng như X5. Năm ngoái, người lái xe Trung Quốc đã mua 52.407 chiếc X5, khiến nó trở thành chiếc xe được sản xuất ở Mỹ bán chạy nhất ở Trung Quốc. BMW X3 đứng không xa phía sau, với doanh thu là 34.606 chiếc.

BMW đang gặp khó khăn khi các rào cản thương mại tăng lên, không có cơ sở nào hiện có khả năng sản xuất các mẫu xe dòng X trong ngắn hạn, nhưng phát ngôn viên cho rằng họ đang nghiên cứu "rất nhiều lựa chọn" mà hãng có thể phải thực hiện nếu tranh chấp kéo dài. Và sự cần thiết phải hành động có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu chính quyền Trump theo đuổi các mối đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nhập khẩu ô tô từ châu Âu, một động thái chắc chắn sẽ mang lại sự trả đũa nhanh chóng.

Mercedes là hãng xuất khẩu xe lớn thứ hai của Mỹ sang Trung Quốc, trong đó có 40.304 chiếc GLE được bán ở Trung Quốc trong năm ngoái, trong khi các mẫu GLS và R-Class của họ cũng nằm trong danh sách top 10 bán chạy.

Các nhà sản xuất ô tô "không muốn bị kẹt vào giữa trong tình trạng phân cực", David Cole, chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu ô tô tại Ann Arbor, Michigan cho biết. "Họ không muốn bị nhìn như đang ở bên này hay ủng hộ bên kia."

Nhưng có vẻ như họ sẽ không thể làm gì để tránh bị cuốn vào vụ tranh chấp, Cole và các nhà quan sát khác nói. Và điều đó có thể tạo ra một loạt các thách thức leo thang chỉ mới bắt đầu với các biện pháp trừng phạt cao hơn. Vấn đề phải đối mặt với Mercedes có thể chỉ là bước đầu tiên trong việc trì hoãn hoặc hoàn toàn cấm việc vận chuyển các xe của Mỹ sang Trung Quốc.

Trong khi đó, nhà phân tích Phillippi lo ngại rằng các nhà chức trách Trung Quốc có thể dập tắt hy vọng của các nhà sản xuất ở Mỹ như General Motors, Ford, Fiat Chrysler và Tesla. "Bạn có thể thấy một sự trật bánh của các chương trình đầu tư cho các kế hoạch mở rộng phải được chính phủ Trung Quốc chấp thuận", ông nói.

GM là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai ở Trung Quốc, sau Volkswagen, và nó liên tục nâng cấp và mở rộng nhà máy của mình. Ford là một người đến sau đối với thị trường này và đã đấu tranh để bắt kịp. Dòng sản phẩm Trung Quốc của hãng đã lỗi thời và đang chuẩn bị tung ra một làn sóng sản phẩm mới, bao gồm cả chiếc SUV Territory đã được tiết lộ trong tuần này. Fiat Chrysler cũng là một người đến sau và cần mở rộng cơ sở sản xuất còn tương đối hạn chế ở Trung Quốc. Và Tesla chỉ tháng trước đã xác nhận kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp đầu tiên của mình tại Thượng Hải.

Với nỗ lực tương đối ít, các nhà chức trách Trung Quốc có thể kết nối tất cả các chương trình này, thậm chí hủy bỏ chúng hoàn toàn, theo các chuyên gia quen thuộc với cách thức hoạt động của đất nước này. Xét về quy mô rộng lớn của thị trường ô tô Trung Quốc, những thất bại như vậy có thể là minh họa tàn khốc.

Nhưng "ngành công nghiệp ô tô của cả hai nước có thể bị tổn thương nếu cuộc chiến thương mại leo thang", Phillippi nói thêm.

Thị trường Trung Quốc nhập khẩu tương đối ít xe được sản xuất ở nước ngoài, các rào cản thương mại khác nhau đã chọc giận chính quyền Trump nhưng lại có hiệu quả hạn chế nhập khẩu các mẫu xe đặc biệt và cao cấp. Nhưng Trung Quốc cũng không xuất khẩu được nhiều xe. Cho đến gần đây, các nhà máy Trung Quốc vẫn đang vật lộn chỉ để theo kịp nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường nội địa chậm lại, dường như vấn đề này có khả năng thay đổi.

Những nguy cơ tác động đến tham vọng của Trung Quốc

Hiện tại, Trung Quốc chỉ xuất khẩu rất ít xe đến Mỹ, bao gồm không chỉ Buick Envision mà còn một số phiên bản của mẫu sedan Volvo S60. Công ty có trụ sở tại Thụy Điển này thuộc sở hữu của Zhejiang Geely của Trung Quốc và có kế hoạch bổ sung thêm nhiều sản phẩm do Trung Quốc sản xuất vào danh sách trong vài năm tới. Ford cũng đang có kế hoạch tham gia danh sách các nhà nhập khẩu trong vài năm tới.

Trong khi đó, các công ty sản xuất trong nước của Trung Quốc từ lâu đã nói về cơ hội xuất khẩu nhưng, cho đến gần đây, họ vẫn chỉ xuất khẩu một số lượng nhỏ các mẫu xe đến các thị trường chủ yếu ở châu Á, châu Mỹ Latinh và Đông Âu.

Một số nhà sản xuất lớn hơn, chẳng hạn như BYD, đã trưng bày sản phẩm tại các triển lãm ô tô ở Mỹ, cho đến nay, không có sự phản hồi nào. Nhưng sau khi trưng bày một số mẫu mới tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Bắc Mỹ tại Detroit vào tháng 1 năm ngoái, GAC tại Quảng Châu đã âm thầm đặt một chân vào mạng lưới phân phối của Mỹ, với kế hoạch mở các phòng trưng bày đầu tiên vào năm tới. Những người khác đã đi theo đường hướng này bao gồm BYD và Great Wall.

Theo những báo cáo, người Mỹ đã mua khoảng 50.000 xe Trung Quốc trong năm 2017, nhưng dự báo của Trung tâm Nghiên cứu ô tô dự đoán sẽ đạt 225.000 xe vào năm 2019 và 500.000 vào năm 2023 - tất nhiên là có các rào cản thương mại mới. Chính quyền Trump chắc chắn có thể tìm cách để ngăn chặn tham vọng của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc nếu cuộc chiến thương mại leo thang.

Với bóng ma đầy ám ảnh của làn sóng xe Nhật Bản và Hàn Quốc tràn ngập các hải cảng của Mỹ, có rất nhiều người trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ sẽ rất vui khi thấy một bức tường lớn được dựng lên để ngăn chặn các nhà sản xuất Trung Quốc.

Theo Trí thức trẻ/CNBC

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…