Vị trí đầu bảng trong Danh sách Tỷ phú Bloomberg
Với 171 tỷ USD, mức tài sản ròng của tỷ phú Bernard Arnault đã làm “lu mờ” đi con số 164 tỷ USD của Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Giá trị tài sản ròng của Elon Musk đã giảm 107 tỷ USD trong năm nay, theo Chỉ số tỷ phú Bloomberg. Trong khi đó, sự giàu có của Bernard Arnault, bắt nguồn từ cổ phần kiểm soát của ông trong LVMH, chỉ giảm ở mức khiêm tốn 7 tỷ USD.
Sự khác biệt một phần là do hiệu suất cổ phiếu của các công ty mà họ sở hữu cổ phần. Việc mua lại Twitter Elon Musk cũng chẳng giúp thêm được gì. Nhưng dù vậy, CEO Tesla không lo đối mặt với nguy cơ tụt sâu hơn trong danh sách bởi khối tài sản của ông vẫn lớn hơn so với doanh nhân Ấn Độ Gautam Adani (125 tỷ USD) và người sáng lập Amazon Jeff Bezos (116 tỷ USD), lần lượt giữ vị trí thứ ba và thứ tư trên bảng xếp hạng.
Trong khi giá cổ phiếu của Tesla giảm mạnh 54% trong năm nay, thì cổ phiếu LVMH vẫn ổn định, được hỗ trợ bởi doanh số bán hàng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Thị trường xa xỉ vẫn tương đối tích cực trong năm nay, ngay cả khi lạm phát gia tăng đã khiến những người mua sắm trung lưu phải thay đổi thói quen chi tiêu của họ. LVMH hiện có giá trị thị trường là 362,4 tỷ Euro (386 tỷ USD).
Trong ba thập kỷ qua, Bernard Arnault đã xây dựng LVMH trở thành tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, mang về cho bản thân biệt danh “con sói trong chiếc áo cashmere”.
Bernard Arnault - vị tỷ phú kín tiếng
Sinh ra ở Roubaix, miền bắc nước Pháp vào năm 1949, Bernard Arnault tốt nghiệp École Polytechnique - một trường kỹ thuật danh tiếng ở Paris. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình tại công ty xây dựng do gia đình sở hữu, Ferret-Savinel, và trở thành chủ tịch vào năm 1978.
Sáu năm sau, ông nhận được tin chính phủ Pháp đang tìm kiếm một nhà đầu tư mới để tiếp quản Boussac Saint-Freres. Tập đoàn dệt may bị phá sản sở hữu một tài sản quan trọng, đó chính là thương hiệu thời trang nổi tiếng của nước Pháp: Christian Dior.
Bernard Arnault đã nhanh chóng mua quyền kiểm soát tập đoàn, đưa nó trở lại hoạt động sinh lãi và bắt tay vào thực hiện chiến lược phát triển một tập đoàn hàng xa xỉ hàng đầu thế giới. Ông đã mua lại cổ phần kiểm soát của LVMH vào năm 1989, hai năm sau khi tập đoàn này được thành lập bởi sự hợp nhất của Louis Vuitton và Moët Hennessy. Bernard Arnault giữ vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn kể từ đó đến nay.
Mặc dù cái tên Bernard Arnault có thể không được nhiều người nhận ra ngay lập tức, nhưng những thương hiệu mà ông đã góp phần phát triển — từ Christian Dior đến Dom Pérignon — đều là những thương hiệu quen thuộc với công chúng.
Thậm chí có lần, Steve Jobs - nhà sáng lập Apple và cũng là bạn của Bernard Arnault - từng nói rằng: “Tôi không biết liệu iPhone có còn thành công trong 50 năm nữa hay không, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng mọi người vẫn sẽ uống Dom Pérignon.”
Vào tháng 1/2021, LVMH đã hoàn tất việc mua lại thương hiệu trang sức nổi tiếng của Hoa Kỳ Tiffany & Co trị giá 15,8 tỷ USD - cũng là thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay trong ngành công nghiệp xa xỉ.
Bernard Arnault từ lâu đã giữ danh hiệu người đàn ông giàu nhất châu Âu, nhưng lại khá kín tiếng và không có hoạt động cá nhân trên bất kỳ nền tảng truyền thông xã hội lớn nào. Tỷ phú Bernard Arnault đã kết hôn và có 5 người con, tất cả đều đang làm việc tại LVMH hoặc một trong những thương hiệu của tập đoàn, theo Bloomberg.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Bernard Arnault còn tích cực thực hiện các nỗ lực từ thiện, chủ yếu thông qua LVMH, tập trung bảo trợ cho lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Vào năm 2019, tập đoàn đã quyên góp 200 triệu euro (212 triệu USD) để giúp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà sau một trận hoả hoạn kinh hoàng.