Doanh số bán hàng xa xỉ của Trung Quốc đang phục hồi và các nhà phân tích đều chỉ ra những cơ hội tăng trưởng mới.
LVMH là “gã khổng lồ” hàng xa xỉ mới nhất công bố kết quả năm 2023, lưu ý rằng thời trang và hàng da đã chứng kiến mức tăng trưởng hơn 30% tại Trung Quốc trong tháng 12. “Tại các cửa hàng, số lượng khách nội địa đã tăng gấp đôi so với năm 2019”, ông Bernard Arnault, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LVMH, cho biết trong một cuộc gọi báo cáo thu nhập, theo bản ghi FactSet.
“Điều đó có nghĩa là lượng mua hàng nội địa ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, vì vậy chúng tôi phải nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đó”, ông Arnault nói thêm.
Theo công ty tư vấn Bain & Company, thị trường hàng xa xỉ cá nhân tại Trung Quốc đại lục đã tăng khoảng 12% trong năm ngoái lên hơn 400 tỷ nhân dân tệ (56,43 tỷ USD). Mặc dù con số này vẫn chưa trở lại mức ấn tượng của năm 2021, nhưng Bain kỳ vọng thị trường hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Weiwei Xing, một đối tác tại bộ phận sản phẩm tiêu dùng và hoạt động bán lẻ của Bain ở Trung Quốc đại lục, cho biết thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 16% thị trường toàn cầu vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt ít nhất 20% vào năm 2030. “Tất cả dữ liệu đó đều chỉ ra tầm quan trọng của người tiêu dùng xa xỉ và thị trường Trung Quốc”, bà Xing nhận xét.
Richemont, công ty mẹ của Cartier, vào hồi đầu tháng 1/2024 đã tiết lộ rằng doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macao đã tăng 25% trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/12.
Trong một cuộc họp báo cáo thu nhập, Giám đốc tài chính Burkhart Grund của tập đoàn đã mô tả tổng thể hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc là đang tái thiết lại, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu và hoạt động du lịch nước ngoài của người mua sắm Trung Quốc phục hồi chậm.
Bà Weiwei Xing cho biết, các thương hiệu xa xỉ ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các kênh trực tuyến để đảm bảo mở rộng và duy trì tương tác với khách hàng. Hầu hết các công ty hoạt động tốt trong năm 2023 là những nơi có mặt hàng xa xỉ được coi là đáng để đầu tư, hoặc có những khía cạnh mang tính biểu tượng sẽ tồn tại qua thời gian.
Bên cạnh các mặt hàng thời trang và trang sức, một phân khúc xa xỉ mới nổi khác ngày càng nhận được sự chú ý trong thời gian vừa qua đó là chăn ga gối đệm. Theo dữ liệu của PitchBook, đã có ít nhất bốn thương vụ đầu tư được ghi nhận trong danh mục đó trong 18 tháng qua. Giao dịch mới nhất là thương vụ mua lại công ty chăn ga gối đệm cao cấp Frette của Ý vào tháng 8 bởi các nhà đầu tư trong đó có Ding Shizhong, chủ tịch công ty đồ thể thao Trung Quốc Anta.
Ashley Dudarenok, nhà sáng lập công ty tư vấn tiếp thị ChoZan cho biết: “Thái độ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăn ga gối đệm đang dần thay đổi, ngày càng có nhiều người sẵn sàng chi mạnh cho những sản phẩm cao cấp và chú trọng nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, chức năng và các dịch vụ bổ sung”.
Bà Dudarenok cũng lưu ý thêm rằng các thương hiệu dệt may gia dụng Trung Quốc đã tích cực theo đuổi các đổi mới công nghệ và khám phá thị trường chăn ga gối đệm sang trọng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tiềm năng lớn của thị trường hiện vẫn chưa được khai thác triệt để. Theo ước tính từ viện nghiên cứu người tiêu dùng ZWC Partners có trụ sở tại Bắc Kinh, trong khi người tiêu dùng Mỹ chiếm hơn 40% thị trường toàn cầu về hàng dệt may giường và bồn tắm cao cấp thì người tiêu dùng Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 5% hoặc ít hơn.
Nghiên cứu của họ cho thấy thị trường giường ngủ, phòng tắm và dệt may sang trọng của Trung Quốc có quy mô khoảng 700 triệu USD vào năm 2023, một phần rất nhỏ so với thị trường chăn ga gối đệm nội địa nói chung có quy mô lên tới 10 tỷ USD.