Triển vọng kinh tế ảm đạm khiến ngành công nghiệp xa xỉ Trung Quốc hoang mang

Các nhà đầu tư quốc tế bày tỏ mối lo ngại trước nguy cơ doanh số hàng xa xỉ sụt giảm mạnh trong quý đầu năm 2024, phần lớn chịu ảnh hưởng từ nhu cầu mờ nhạt ở Trung Quốc khi áp lực kinh tế tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng…

Triển vọng kinh tế ảm đạm khiến ngành công nghiệp xa xỉ Trung Quốc hoang mang

Giới đầu tư đang chuẩn bị tinh thần đón nhận kết quả báo cáo kinh doanh quý 1/2024 từ hầu hết các thương hiệu xa xỉ, vốn được dự đoán sẽ giảm mạnh khi so sánh với năm ngoái do nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc tiếp tục mờ nhạt.

LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, sẽ công bố báo cáo đầu tiên vào ngày 16/4, tiếp theo là các đối thủ Kering, Prada và Hermes một tuần sau đó. Burberry và Richemont theo sau vào tháng Năm.

Trong một cảnh báo bất ngờ vào tháng trước, Kering ước tính doanh thu quý đầu tiên sẽ giảm tới 10% thay vì 3% như các nhà phân tích dự đoán trước đây.

Tập đoàn đổ lỗi cho sự sụt giảm doanh số của nhãn hiệu nổi tiếng Gucci tại châu Á. Tuy nhiên, thành tích đáng thất vọng của hãng cũng làm dấy lên mối lo ngại rằng các nhãn hiệu thời trang cao cấp khác cũng có thể đang gặp khó khăn ở Trung Quốc. Theo các nhà phân tích tại HSBC, khách du lịch Trung Quốc tại Hồng Kông, Ma Cao và Singapore dường như không thuộc nhóm “du khách chi tiêu”.

Các vấn đề của Kering ở Trung Quốc là một phần lý do khiến giá trị của tập đoàn bị tụt hậu so với các đối thủ. Theo dữ liệu của LSEG, chỉ số P/E (Price to Earnings ratio) dự phóng 12 tháng hiện tại của Kering là 16, thấp hơn nhiều so với 24 của LVMH và 51 của Hermes.

Cổ phiếu Kering đã mất 15% kể từ khi đưa ra cảnh báo, trong khi LVMH giảm 7%. Hermes, vốn ít bị tổn thương hơn so với các đối thủ nhờ lượng khách hàng giàu có và trung thành, trượt nhẹ khoảng 2%.

Olivier Abtan, nhà tư vấn của AlixPartners cho biết: “Ngành xa xỉ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kéo dài và thị trường không biết mọi thứ sẽ đi về đâu. Tất cả các động lực tăng trưởng đã bị xói mòn trong nhiều quý và sự sụt giảm này là chưa từng có”.

Nhu cầu của người tiêu dùng đối với thời trang cao cấp liệu có phục hồi trong thời gian tới hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn, ngay cả khi các thách thức bắt đầu có dấu hiệu giảm bớt. Theo các nhà phân tích tại Barclays, tăng trưởng hàng năm về doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu sẽ chậm lại, thấp hơn mức 9% của năm ngoái và mức hai con số từ hai năm trước đó.

Nguyên nhân chính là bởi, khi phải đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng cao, người tiêu dùng sẽ càng phải chọn lọc hơn đối với hàng hóa cao cấp. Điều này cũng làm gia tăng khoảng cách giữa những thương hiệu hàng đầu như Louis Vuitton, Chanel và Hermes so với những cái tên nhỏ hơn như Burberry, vốn đang trải qua một cuộc đại tu thương hiệu.

Caroline Reyl, người đứng đầu thương hiệu cao cấp tại Pictet Asset Management nhận xét: “Một số thương hiệu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với những thương hiệu khác. Chúng tôi đã bắt đầu thấy rõ điều đó trong hai năm qua”.

Tăng trưởng doanh số dự kiến sẽ chậm lại ngay cả đối với các công ty nổi bật hiện nay, chẳng hạn như Prada với nhãn hiệu Miu Miu đang được giới trẻ toàn cầu yêu thích. Jefferies ước tính doanh số bán lẻ quý đầu tiên của Prada sẽ tăng 9,3%.

Trong khi đó, JPMorgan dự báo LVMH sẽ báo cáo doanh thu tổng thể không thay đổi trong quý đầu tiên, với mức tăng trưởng 2% ở bộ phận thời trang và đồ da của Louis Vuitton và Dior.

Khá tương đồng với báo cáo trên, số liệu từ UBS phân tích cho thấy sự đồng thuận đối với kỳ vọng tăng trưởng doanh số hữu cơ của LVMH ở mức 3% trong 3 tháng đầu năm; còn Richemont là 1% và Hermes là 13% trong khi Burberry chịu mức giảm 10%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…