Mỗi ngày, bộ phận ngân hàng bán buôn (wholesale banking) của JPMorgan Chase di chuyển lượng tiền lên tới 6 nghìn tỷ USD trên phạm vi toàn cầu cho khách hàng doanh nghiệp. JPM Coin ra đời nhằm thực hiện nhanh chóng thanh toán giữa các khách hàng của JPMorgan Chase.
Việc thử nghiệm đồng tiền ảo này vào thanh toán trong mảng ngân hàng bán buôn sẽ được triển khai sau vài tháng nữa. Bước đầu, JPM Coin sẽ chỉ đảm nhiệm một phần rất nhỏ trong lượng tiền mà JPMorgan Chase di chuyển mỗi ngày.
Việc phát hành đồng tiền ảo nói trên là một phần trong nỗ lực của JPMorgan Chase nhằm chuẩn bị cho tương lai mà ở đó, nhiều hoạt động tài chính-ngân hàng từ thanh toán xuyên biên giới cho tới phát hành nợ doanh nghiệp, sẽ được thực hiện dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Đây là công nghệ đứng sau các đồng tiền kỹ thuật số mà nổi tiếng nhất là Bitcoin.
Khi JPMorgan Chase thử nghiệm dùng JPM Coin cho thanh toán quốc tế, đây sẽ là ứng dụng trong thế giới thực đầu tiên của một đồng tiền ảo trong lĩnh vực ngân hàng.
Mỗi đồng tiền ảo JPM Coin có thể đổi sang 1 USD, bởi vậy mà giá trị của nó sẽ không biến động. Khách hàng của JPMorgan Chase sẽ được cấp JPM Coin sau khi gửi tiền vào JPMorgan Chase. Sau khi dùng số tiền ảo được dùng để thanh toán, ngân hàng sẽ hủy số tiền ảo đó mà chuyển lại cho khách hàng một số lượng tiền USD tương đương.
Cho đến hiện tại, JPMorgan Chase vẫn giữ quan điểm thận trọng với đầu tư tiền ảo, xem đây là một kênh đầu tư có mức độ rủi ro quá cao. Năm ngoái, JPMorgan Chase và hai nhà băng khác của Mỹ cấm việc sử dụng thẻ tín dụng do họ phát hành để mua tiền ảo. Có một số điểm khác biệt quan trọng giữa JPM Coin và Bitcoin - đồng tiền ảo mà Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của JPMorgan Chase từng gọi là một "trò bịp bợm" đối với các nhà đầu tư. Tuy hoài nghi về Bitcoin, ông Dimon và các cấp dưới luôn cho rằng công nghệ blockchain và những đồng tiền kỹ thuật số được điều tiết có nhiều hứa hẹn. |