Nhật Bản dừng xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng sang Nga

Nhật Bản đã cấm hầu hết các giao dịch buôn bán ô tô đã qua sử dụng tới Nga - vốn từng là một lĩnh vực thương mại sinh lời lớn với giá trị lên đến 2 tỷ USD mỗi năm…

Những chiếc xe Toyota cũ được bày bán tại một đại lý ở Moscow, Nga
Những chiếc xe Toyota cũ được bày bán tại một đại lý ở Moscow, Nga

Vào đầu tháng 8, chính phủ Nhật Bản đã cấm xuất khẩu tất cả các loại ô tô đã qua sử dụng, ngoại trừ ô tô cỡ nhỏ (subcompact) như Toyota Yaris hay Honda Fit, sang Nga.

Động thái này đã cắt đứt kênh thương mại buôn bán xe Toyota, Honda và Nissan đã qua sử dụng của mạng lưới môi giới và các cảng hàng hoá, đặc biệt là Fushiki, một trung tâm xuất khẩu trên Biển Nhật Bản.

Ông Takanori Kikuchi, giám đốc chính sách thương mại ô tô tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đang theo dõi chặt chẽ để xem xét tác động mà các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây ra.

Nhật Bản ban đầu đã cấm xuất khẩu xe hạng sang sang Nga vào tháng 4/2022 và sau đó bổ sung thêm xe tải hạng nặng vào tháng 6.

Nhu cầu của Nga đối với ô tô cũ từ Nhật Bản trên thực tế đã tăng mạnh sau khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm cả Toyota, rút lui khỏi hoạt động tại Moscow sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đến năm ngoái, khi các lệnh trừng phạt quốc tế tiếp tục được thắt chặt, Nga đã mua hơn 25% lượng xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng của Nhật Bản với mức giá trung bình gần 8.200 USD/chiếc. Mức giá này cao hơn gấp đôi vào năm 2020, khi thị trường Nga chiếm khoảng 15% lượng xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng của Nhật Bản.

Theo số liệu từ cơ quan phân tích Autostat của Nga, trước khi Nhật Bản áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của riêng mình, hơn một nửa trong số 303.000 ô tô đã qua sử dụng được Nga nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm là từ Nhật Bản, đạt doanh thu 1,9 tỷ USD.

Dữ liệu của Autostat cũng so sánh con số này với doanh số 606.950 xe mới, chủ yếu đến từ các thương hiệu Nga và Trung Quốc trong cùng kỳ.

SV Alliance có trụ sở tại Toyama là một trong những doanh nghiệp “bận rộn” nhất khi mỗi tháng xuất khẩu trung bình 6.500 ô tô đã qua sử dụng từ Fushiki đến Nga (tính từ đầu năm cho tới tháng 7). Cảng Fushiki của Nhật Bản cách cảng Vladivostok của Nga khoảng 800 km (500 dặm), do đó tàu chở hàng chỉ mất khoảng hai ngày di chuyển.

Tuy nhiên, theo ông Olesya Alekseeva, điều phối viên hậu cần của SV Alliance ở Nga cho biết: “Hoạt động trong tháng 8 đã giảm khoảng 70% và chúng tôi phải cho một vài người ra đi vì không có đủ việc làm”.

Giám đốc điều hành Wataru Nishiwaki của Element Trading, một đại lý ô tô đã qua sử dụng ở quận Niigata, cũng tiết lộ rằng công ty đã chứng kiến thị phần của Nga trong hoạt động kinh doanh của mình trượt từ mức cao nhất trên 50% xuống dưới 20%.

Trong khi lệnh cấm đã loại bỏ nguồn cung ô tô đã qua sử dụng lớn nhất tới Nga, thì nó cũng khiến giá ô tô cũ ở Nhật Bản suy giảm. Dữ liệu sơ bộ từ nhà đấu giá ô tô USS cho thấy số lượng ô tô đã qua sử dụng được chào bán đã tăng hơn 20% trong tháng 8 so với một năm trước, nhưng giá bán xe lại giảm trung bình khoảng 7%.

Đồng thời, các nhà môi giới đến nay cũng phải vội vã tìm cách xuất xe sang các khu vực khác, đặc biệt là các thị trường có cùng tay lái bên phải như New Zealand, Đông Nam Á và Châu Phi.

Tại Nhật Bản, một hệ thống kiểm tra bắt buộc đã đẩy chi phí bảo dưỡng ô tô đã qua sử dụng lên cao hơn nhiều so với các nước khác. Ngược lại, chi phí tài chính cho việc mua xe mới lại không quá đắt đỏ, do đó, người dân có xu hướng lựa chọn ô tô mới thay vì mua lại các mặt hàng đã qua sử dụng. Cũng vì điều này mà ngành xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng của Nhật Bản liên tục phát triển và đứng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

"Cơn ác mộng kép" của bất động sản Trung Quốc: Suy thoái kéo dài và dân số suy giảm

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt với thách thức chồng chất thách thức, khi dân số sụt giảm mạnh, thu nhập đình trệ và lượng nhà tồn kho khổng lồ. Những yếu tố này liên tục giáng đòn mạnh vào tâm lý của cả người mua nhà lẫn các nhà đầu tư, khiến triển vọng phục hồi trở nên mờ mịt…

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Iran đóng cửa eo biển Hormuz: Hơn 1/5 lượng dầu thế giới có thể bị đóng băng, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng

Quốc hội Iran vừa thông qua nghị quyết cho phép đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải huyết mạch với hơn 1/5 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua mỗi ngày. Động thái này làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu và các tuyến đường vận chuyển quốc tế…

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Fed giữ nguyên lãi suất, "hé lộ" 2 lần cắt giảm trong năm nay

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn và tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dù vậy, Fed vẫn dự kiến sẽ tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025…

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Xung đột Trung Đông đẩy Fed vào thế khó

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran khiến giá dầu tăng vọt, làm dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu và có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất…