Doanh số bán hàng tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản) trong 6 tháng đầu năm 2024 của tập đoàn xa xỉ LVMH đã trượt dốc hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm này dường như đang tăng tốc một cách đáng báo động, với doanh số tính riêng trong quý 2/2024 sụt giảm mạnh tới 14%, chịu tác động nặng nề bởi sức mua yếu kém từ Trung Quốc.
Cổ phiếu của LVMH đã giảm 4,7% vào hôm 24/7 - mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2023. Dù đã có phục hồi nhẹ vào cuối phiên 26/7 nhưng cổ phiếu LVMH vẫn thấp hơn 4,4% so với cuối tuần trước.
Những con số từ doanh nghiệp đứng đầu ngành xa xỉ cũng đã tác động tiêu cực đến cổ phiếu của Prada, giảm 3% so với mức đóng cửa hôm 23/7. Công ty niêm yết tại Hồng Kông dự kiến sẽ báo cáo kết quả nửa đầu năm vào tuần tới.
"Hiện tại, thị trường vẫn gặp nhiều “sóng gió” khi các nhà đầu tư đánh giá lại niềm tin trước đây rằng thương hiệu xa xỉ là khoản đầu tư an toàn, “miễn nhiễm” với suy thoái kinh tế rộng lớn hơn”, Jochen Stanzl, nhà phân tích thị trường chính tại CMC Markets nói với CNN.
Theo báo cáo của Reuters, 10 doanh nghiệp hàng xa xỉ hàng đầu của châu Âu đã mất 250 tỷ USD giá trị thị trường kể từ tháng Ba.
Tập đoàn Richemont - chủ sở hữu hãng trang sức Cartier và thương hiệu xe sang Porsche - cũng gặp phải tình trạng tương tự với LVMH, hay thậm chí là còn tồi tệ hơn.
Richemont chứng kiến doanh số bán hàng lao dốc 27% tại Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao trong quý 2/2024 so với một năm trước, viện dẫn lý do nhu cầu tiêu dùng thấp và tâm lý thận trọng của các khách hàng Trung Quốc. Đại diện từ Porsche cũng đưa ra công bố tương tự.
Một “đối thủ” xe sang khác, Mercedes-Benz, cũng tiết lộ mức giảm doanh số 4% ở bộ phận xe hơi của mình trong quý 2. "Thị trường Trung Quốc đang thu hẹp một chút; đặc biệt là ở phân khúc cao cấp”, công ty cho biết.
Trong khi đó, Kering - chủ sở hữu thương hiệu Gucci - thừa nhận rằng có sự giảm tốc đáng kể trong doanh thu ở Trung Quốc vào 6 tháng đầu năm 2024 và xu hướng cũng không được cải thiện nhiều ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, ngoại lệ duy nhất được nhìn thấy là Hermes. Tập đoàn đã báo cáo tăng trưởng doanh số ở tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, trong nửa đầu năm 2024.
Nhìn chung, các báo cáo kết quả kinh doanh mới được công bố phản ánh tình hình thay đổi đáng chú ý trong chi tiêu của người Trung Quốc - vốn là tập khách hàng quan trọng của ngành công nghiệp xa xỉ trong nhiều thập kỷ qua.
Có vẻ như nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc cuối cùng cũng tác động đến cả những người tiêu dùng giàu có nhất. Quốc gia tỷ dân đang đối mặt với một loạt thách thức nặng nề, từ chi tiêu tiêu dùng trì trệ và sự suy thoái bất động sản kéo dài đến khủng hoảng nợ ngày càng tăng ở các chính quyền địa phương.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,7% trong quý hai, theo dữ liệu chính thức được công bố tuần trước, không đạt kỳ vọng của các nhà kinh tế và đánh dấu mức tăng trưởng yếu nhất kể từ quý 1/2023.
Mặc dù thực trạng kinh tế có thể không ảnh hưởng đến tất cả người tiêu dùng như nhau, nhưng rõ ràng là đang kiềm chế thói quen mua sắm hàng xa xỉ. Diễn biến này từng được Bain & Company nhắc đến với thuật ngữ “sự xấu hổ xa xỉ” - miêu tả cảm giác không thoải mái, ngại ngùng khi chi tiêu nhiều tiền vào hàng hóa cao cấp và thể hiện sự giàu có trong khi người khác đang gặp khó khăn về tài chính - tương tự như những gì đã xảy ra ở Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.