Động thái bất thường của nhiều thương hiệu xa xỉ tại Trung Quốc

Nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế đã buộc phải áp dụng chương trình giảm giá sốc tại thị trường Trung Quốc do lo ngại về hàng tồn kho, đặc biệt là khi người tiêu dùng đang ngày càng thắt chặt chi tiêu…

Động thái bất thường của nhiều thương hiệu xa xỉ tại Trung Quốc

Kể từ tháng 6/2024, người tiêu dùng Trung Quốc có thể “săn” được chiếc túi Balenciaga Hourglass với giá chỉ khoảng 1.947 USD trên nền tảng thương mại điện tử lớn nhất đại lục - Tmall của Tập đoàn Alibaba.

Mức giá này rẻ hơn khoảng 35% so với giá được niêm yết chính thức trên website của thương hiệu cũng như các nền tảng thương mại điện tử xa xỉ hàng đầu thế giới như Farfetch hay Luisa vi Roma.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Balenciaga – thương hiệu thuộc tập đoàn hàng xa xỉ Kering của Pháp – đã giảm giá trung bình khoảng 40% cho nhiều mặt hàng cao cấp được bày bán tại Trung Quốc, theo những người quen thuộc với vấn đề tiết lộ.

Theo công ty tư vấn Yaok Group, các đơn đặt hàng trực tuyến chiếm gần một nửa doanh thu hàng xa xỉ tại Trung Quốc vào năm 2023, trong đó Tmall chiếm phần lớn khoản chi tiêu đó.

Thương hiệu cũng đã tăng gấp đôi số lượng sản phẩm giảm giá trên Tmall, chiếm hơn 10% lượng hàng tồn kho trên nền tảng này từ tháng 1 đến tháng 4/2024. Trong khi đó, ở giai đoạn cùng kỳ năm 2023, Balenciaga chỉ giảm giá các mặt hàng trong tháng 1 và mức trung bình khoảng 30%. Hãng không hề giảm giá trong bốn tháng đầu năm 2022.

Xu hướng tương tự cũng có thể được nhìn thấy ở một số thương hiệu khác. Versace, Givenchy và Burberry đều chạy chương trình giảm giá, thậm chí hơn 50%, trên Tmall và nhiều nền tảng nội địa khác vào tháng 6.

Bên cạnh đó, chương trình giảm giá của các hãng vào năm nay diễn ra trong thời gian dài hơn so với năm 2023 và các mẫu mã được giảm cũng nhiều, đa dạng hơn năm trước.

Trên thực tế, chỉ cách đây vài năm, cuộc cạnh tranh giảm giá của thương hiệu xa xỉ là điều không thể tưởng tượng được.

Ông Jacques Roizen, giám đốc điều hành tư vấn Trung Quốc tại Digital Luxury Group nhận xét: “Điều tôi thấy ngạc nhiên là những chương trình giảm giá này được cung cấp tại điểm tiếp xúc người tiêu dùng dễ thấy nhất trên thế giới, đó là Tmall. Đây thực sự là một bước đi thiếu khôn ngoan”.

Những động thái giảm giá này một lần nữa cho thấy tình trạng khó khăn mà các hãng thời trang toàn cầu đang phải đối mặt khi suy thoái kinh tế làm xói mòn tài sản của các hộ gia đình.

Trong khi nhiều thương hiệu cao cấp đang trông cậy vào Trung Quốc để thúc đẩy doanh thu và cải thiện hiệu suất, thì tầng lớp trung lưu của quốc gia này - tập khách hàng khổng lồ của thị trường xa xỉ toàn cầu - đang ngày càng tiết kiệm, hạn chế hoặc hoàn toàn rút lui khỏi các giao dịch mua sắm đắt đỏ.

Ngược lại, những thương hiệu cao cấp nhất của thị trường, bao gồm Hermes, Chanel và Dior, dường như lại hoạt động tốt hơn. Họ không thực hiện các chương trình giảm giá, hạn chế tiếp xúc với thương mại điện tử và tập trung vào việc kết nối với những khách hàng có giá trị ròng cao. Tất cả những yếu tố này đã phần nào bảo vệ họ khỏi các tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế.

“Mặc dù việc giảm giá có thể giúp giải quyết hàng tồn trong thời gian ngắn nhưng nếu diễn ra thường xuyên có thể khiến các thương hiệu trở nên quá dễ tiếp cận và khiến các khách hàng VIP mất đi hứng thú”, ông Angelito Perez Tan, Jr., đồng sáng lập và CEO của RTG Group Asia đánh giá.

Nhu cầu suy giảm từ thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thu nhập chung của toàn ngành xa xỉ. Tập đoàn Kering đã cảnh báo về khả năng lợi nhuận nửa đầu năm có thể giảm tới 45% do doanh số bán hàng yếu kém của Gucci ở Trung Quốc. Cổ phiếu Burberry đã mất hơn một nửa giá trị trong năm qua do nhu cầu yếu ở Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả Chanel cũng lo lắng rằng tình hình kinh doanh đang ngày càng khó khăn hơn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...