Hermes “miễn dịch” với sự suy giảm chung trên thị trường xa xỉ

Trong khi thị trường xa xỉ toàn cầu đang phải chật vật để tìm cách phục hồi, Hermes vẫn ghi nhận mức tăng trưởng doanh số ấn tượng trong quý 2/2024…

Một cửa hàng của Hermes tại Singapore
Một cửa hàng của Hermes tại Singapore

Thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới Hermes một lần nữa chứng minh vị thế vững mạnh của mình trên thị trường khi đi ngược lại với xu hướng suy giảm chung được thấy trong toàn ngành.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới đây cho thấy, doanh số bán hàng quý 2 của Hermes đã tăng 13,2% lên 3,7 tỷ Euro (tương đương 4,02 tỷ USD) - phù hợp với dự đoán của các nhà phân tích mà Reuters tổng hợp.

Cụ thể, doanh số tăng trưởng hai con số trên tất cả các khu vực ngoại trừ Châu Á, phần lớn là bởi người tiêu dùng Trung Quốc cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ như khăn lụa hay túi xách đắt tiền.

Doanh số ở châu Á (không bao gồm Nhật Bản) chỉ tăng 5,5%, nhưng đây vẫn được đánh giá là một hiệu suất tốt so với các đối thủ như LVMH, Richemont hay Kering.

Hermes là một trong những tên tuổi đáng tin cậy nhất trong ngành hàng xa xỉ ngay cả trong những thời điểm khó khăn. Thương hiệu Pháp vốn được hưởng lợi từ vị thế cao cấp, hệ thống phân phối được kiểm soát cẩn thận và cơ sở khách hàng giàu có.

Rất nhiều người vẫn luôn coi sản phẩm túi xách của Hermes như một khoản đầu tư có giá trị chứ không đơn thuần chỉ là xu hướng thời trang. Bên cạnh đó, tại một số quốc gia, một bộ phận giới trẻ đang hào phóng chi tiêu nhiều hơn cho hàng hiệu và siêu xe khi mà mục tiêu mua nhà dường như quá xa vời.

Tính toàn bộ 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận hoạt động của Hermes đạt 3,15 tỷ Euro và tỷ suất lợi nhuận tăng 42%, cũng tương đồng với dự báo trước đó.

“Trong bối cảnh kinh tế và tình hình chính trị phức tạp, kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay cho thấy sức mạnh của mô hình kinh doanh tại Hermes. Tập đoàn tự tin vào tương lai và sẽ tiếp tục đầu tư, theo đuổi các dự án tích hợp theo chiều dọc và tạo ra việc làm mới”, Chủ tịch điều hành Axel Dumas cho biết.

Bộ phận lớn của tập đoàn, hàng da cao cấp đã tăng trưởng 18% trong quý khi người mua tiếp tục săn lùng những chiếc túi Birkin và Kelly nổi tiếng. Doanh số thời trang may sẵn và phụ kiện cũng chứng kiến đà tăng trưởng tương tự.

Tuy nhiên, nhu cầu đối với khăn lụa và đồng hồ của hãng có dấu hiệu suy giảm nhẹ, cho thấy một số áp lực khi Hermes phải tìm cách điều hướng trong môi trường nhiều thử thách hơn.

Cổ phiếu của Hermes đã tăng 6% trong năm và đứng ở mức 2.007 Euro/cổ phiếu vào cuối phiên giao dịch 25/7, đưa vốn hóa thị trường của tập đoàn lên mức 213 tỷ euro. Ngược lại, cổ phiếu LVMH và Kering tiếp tục mất đà trong cùng giai đoạn.

Khác với nhiều thương hiệu xa xỉ nỗ lực tìm cách thu hút thêm nhiều khách hàng mới, những cái tên đề cao sự độc quyền như Hermes, Brunello Cucinelli và Loro Piana lại tập trung chủ yếu vào tập khách hàng cốt lõi của mình. Ngoài ra, Hermes cũng ít bị phụ thuộc vào doanh số từ dòng khách du lịch, không giống như các đối thủ Louis Vuitton hay Christian Dior.

Trong thời gian tới, tập đoàn dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt các quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh công suất hàng da cao cấp thêm 6-7% mỗi năm khi mở rộng các xưởng mới và đào tạo nghệ nhân lành nghề.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...