Có lẽ khi ấy Người đã nghĩ đến việc đi cùng với sự phát triển kinh tế đất nước là sự lớn mạnh của các gia tộc doanh nhân: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng...”
Đất nước trải qua chiến tranh liên miên, công cuộc kiến thiết còn nhiều bề bộn, thể chế kinh tế nhiều giai đoạn còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, chưa hình thành được tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa để phát huy vai trò chủ lực của mình.
Nhưng cho dù như thế, dòng máu kinh doanh với sức sống mãnh liệt của nó vẫn âm thầm chảy, len lỏi qua cả những thăng trầm của lịch sử để có ngày hôm nay – đội ngũ doanh nhân với khát vọng làm giàu chân chính cho mình và đất nước, xây dựng nhiều tập đoàn lớn, hình thành những thương hiệu uy tín, tạo nên truyền thống kinh doanh và những gia tộc doanh nhân nhiều thế hệ…
Tôi có dịp đến thăm khu nhà của gia tộc Trương Đắc nổi tiếng xứ Đoài theo lời mời của ông Trương Đắc Lợi – Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Ngọc Thúy – thế hệ thứ ba của gia tộc doanh nhân này. Ông nội ông là nhà tư sản Trương Đắc Lạp (giám đốc nhà máy Diêm Bến Thủy) bác ruột Trương Đắc Du (giám đốc nhà máy Diêm Hà Nội) đều mất trước cách mạng tháng Tám. Bố ông, nhà tư sản Trương Đắc Phúc phụ trách tài chính cho nhà máy Diêm Bến Thủy, đồng thời có công ty gỗ ở Phủ Qùy, có đoàn ca nô vận chuyển và trang trại lớn ở Nghệ An đã đi theo cách mạng từ rất sớm. Sau này theo sự phân công của Đảng, cụ Trương Đắc Phúc giữ những vị trí trong chính quyền tỉnh Hà Tây cũ nhưng vẫn đau đáu về cái nghiệp kinh doanh của gia đình: “Làm kinh doanh chân chính thành đạt chính là thể hiện tấm lòng yêu nước của mình. Thời nào thì cũng cần những người, những gia tộc làm ăn tài giỏi, mang lại nhiều của cải cho xã hội...”.
“Làm kinh doanh chân chính thành đạt chính là thể hiện tấm lòng yêu nước của mình. Thời nào thì cũng cần những người, những gia tộc làm ăn tài giỏi, mang lại nhiều của cải cho xã hội...”.
Doanh nhân Trương Đắc Lợi – Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Ngọc Thúy
Ông Trương Đắc Lợi, với cái chí kinh doanh từ trong máu, biết buôn bán làm ăn từ khi còn nhỏ ngấm lời cha dạy nên đã kiên quyết từ bỏ chức giám đốc một công ty xây dựng thuộc Tổng Sông Đà, trở về khởi nghiệp làm “ông chủ thật” cho mình. Ông Lợi dẫn tôi đi thăm dấu tích huy hoàng một thời của ông cha mình, và những giá trị mà họ để lại cho con cháu và cộng đồng. Con đường, ngôi chùa, trường học mà cụ Lạp bỏ tiền ra xây dựng giờ vẫn còn, bậc cao niên trong xã vẫn nhắc ngày xưa cụ về tuyển hàng nghìn công nhân cho nhà máy với niềm kính phục...”. Đi qua nhiều biến động của thời gian của lịch sử, của cải xưa không còn nhưng những giá trị tinh thần và ý chí làm giàu thì thế hệ chúng tôi và con cháu sau này được thừa hưởng vĩnh viễn để vươn lên...” ông Lợi chia sẻ.
Vào năm 91 tuổi, đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử (người từng được Chủ tịch VCCI đến tận nhà trao tặng Huy chương. Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp). Cha của bảy doanh nhân trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như Đỗ Minh Phú, Đỗ Anh Tú, Đỗ Quốc Bình... mới quyết định trao lại Công ty May mặc Gamexco cho con gái điều hành và chỉ giữ vai trò cố vấn! Trước năm đó, vào một ngày giáp tết, tôi đã đến thăm hai cụ lão doanh nhân Đỗ Thế Sử và Nguyễn Minh Phương. Cụ Sử nhanh nhẹn dẫn tôi đi thăm xưởng đang hoạt động nhộn nhịp với các bộ phận thiết kế, cắt, may...
Hỏi bí quyết gì đã giúp cụ 90 tuổi mà vẫn sáng suốt tinh anh, lão doanh nhân hóm hỉnh: “Có lẽ vì tôi ham làm, ham nghĩ, 14 tuổi đã phụ mẹ - một thương gia có tiếng ở Xứ Đoài – buôn bán kinh doanh. Sau này tôi sẵn sàng thôi chức Tổng biên tập báo Sơn Tây để ra ngoài làm ăn nuôi các con nên người. 70 tuổi tôi học tiếng Anh để làm việc với đối tác, 87 tuổi học thêm tiếng Trung để sang đó đặt hàng...”
Trao đổi với Thương Gia, Cụ Sử cho rằng: Thế hệ doanh nhân chúng tôi được thừa hưởng và tiếp nối tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh từ các bậc tiền nhân. Riêng tôi còn được trao truyền tinh thần và nghị lực kinh doanh từ mẹ mình. Một người đàn bà nông dân không biết chữ nhưng đã dám vượt qua lễ giáo phong kiến để tự tay gây dựng cơ đồ. Bà làm giàu cho mình một cách đĩnh đạc, đàng hoàng và tạo cơ hội cho rất nhiều người khác. Cả đời tôi kính phục và ngưỡng mộ về cách làm giàu của mẹ mình.
Ba thế hệ kinh doanh của gia đình doanh nhân Đỗ Thế Sử và những người bạn
Bà mạnh dạn mua tơ của các cửa hàng lớn ở Hàng Đào đem về giao cho các khung cửi ở địa phương dệt lụa. Rồi bà mở lò nhuộm thâm để nhuộm các loại lụa của chính mình, rồi lại đem về Hàng Đào giao cho các hãng buôn lớn. Không chỉ có thế, bà còn mở lò nấu đường, mỗi vụ làm ra hàng trăm tấn bán cho Sơn Tây và Hà Nội. Đặc biệt bà còn mở lò gỗ ở khu vực Vĩnh Tuy thuộc Hà Giang rồi chở gỗ về bán cho Cụ Hiền - là người buôn gỗ lớn nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ. Bà còn xin được phép đốn thông ở Ba Vì, hai cây đốn một để bán cho Quảng Ninh làm gỗ chống lò.
Con trai của cụ Sử là doanh nhân Đỗ Minh Phú Chủ tịch ngân hàng Tiên Phong và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi, người được trao truyền dòng máu kinh doanh từ bà nội và bố, đã đúc kết triết lý kinh doanh của mình trong ba chữ Tự “Tự lực cánh sinh để đi lên bằng khả năng của mình. Tự trọng đi lên để giữ uy tín trong làm ăn. Tự tôn để không chấp nhận thua kém, không dễ dãi bằng lòng với thành công và những thứ đang có”.
Còn thế hệ thứ tư của gia tộc họ Đỗ - Đỗ Vũ Phương Anh – phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DoJi đến với nghiệp kinh doanh bởi: “Bố tôi đã gieo vào tim chúng tôi tình yêu lớn đối với nghiệp kinh doanh một cách nhẹ nhàng tự nhiên như thể làm doanh nhân là mối duyên tiền định và nó sẽ đi theo chúng tôi đến hết cuộc đời.” Đỗ Minh Đức – con trai ông Phú thì chia sẻ rằng dường như niềm say mê kinh doanh của anh được truyền trong máu từ cụ nội, ông nội và cha mình và “Tôi lựa chọn con đường tiếp bước người cha – người thày và chính là thần tượng của mình!”.
“Sứ mệnh của thế hệ doanh nhân chúng tôi có thể nói đã hoàn thành. Mong rằng các anh chị hãy trở thành thủ lĩnh dẫn dắt thế hệ mình xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, xây dựng đất nước mạnh giàu...”.
Doanh nhân Đỗ Thế Sử
Trong dịp Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam ra đời với chủ tịch Hội đồng là Doanh nhân Phạm Đình Đoàn – chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nhiều người gọi đó là “giấc mơ doanh nghiệp Việt hàng trăm năm tuổi”. Với gần năm chục gia đình doanh nhân có tên tuổi và đầy nhiệt huyết như Ninh Thị Ty – anh hùng lao động chủ tịch Cty May Hồ Gươm và may Chiến Thắng; Lê Vĩnh Sơn – chủ tịch Cty CPQT Sơn Hà; Nguyễn Thành Phương – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kangaroo; Nguyễn Đức Cây – Chủ tịch Constrexim... họ mang trong mình chung khát vọng phát triển doanh nghiệp qua nhiều thập kỷ, có được những thương hiệu danh tiếng, cùng hỗ trợ chia sẻ với nhau trong hoạt động kinh doanh, nâng cao tính cộng đồng trong đội ngũ...
Và điều đó thực sự đáng giá khi đất nước ta – vì những đặc thù của lịch sử, tầng lớp doanh nhân chỉ thực sự phát triển từ năm đổi mới 1986 và cũng từ bấy giờ mới định hình và nhen nhóm lại các gia tộc kinh doanh. Một lực lượng doanh nhân trẻ về tuổi nghề nhưng đầy ý chí, nghị lực, khẳng định bản lĩnh, tạo dựng nền tảng, dấu ấn để truyền lại cho thế hệ tiếp sau, tiếp bước thế hệ trước họ mà đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử kỳ vọng “Sứ mệnh của thế hệ doanh nhân chúng tôi có thể nói đã hoàn thành. Mong rằng các anh chị hãy trở thành thủ lĩnh dẫn dắt thế hệ mình xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, xây dựng đất nước mạnh giàu...”
Thế hệ nọ sẽ kế tiếp thế hệ kia, trong gia tộc doanh nhân, việc gìn giữ và phát triển công ty sẽ được đặt lên hàng đầu. Sẽ có những giá trị bất biến qua thời gian đi qua cả thử thách và bão tố cuộc đời mà thế hệ đi trước đặt nền móng vững chắc – đó là triết lý, tinh thần kinh doanh, là tình yêu cho “đứa con tinh thần” mà cha ông trao truyền lại... sẽ là “Vật báu gia truyền”.