Trong một bức thư được ký bởi 170 công ty, trong đó bao gồm Nike và cả Adidas – hai “ông trùm” của ngàng công nghiệp thời trang thể thao, vận động Tổng thống Donald Trump thoả thuận chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Họ cho biết, việc tăng thuế đối với hàng hoá Trung Quốc lên mức 25% sẽ tác động vô cùng lớn tới tầng lớp lao động. Họ cũng cảnh báo rằng, việc này sẽ đe doạ tới tương lai của nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ.
“Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến thương mại này”, các công ty hối thúc chính phủ Hoa Kỳ trong bức thư.
Trong khi chính quyền Donald Trump tuyên bố tăng thuế đối với 200 tỷ đô la hàng hoá Trung Quốc thì từ phía Bắc Kinh thông báo về kế hoạch “trả đũa”, tăng thuế quan 60 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Mỹ bắt đầu từ 1/6.
Các công ty sản xuất giày dép lớn bên cạnh Nike và Adidas như Clarks, Dr.Martens và Converse đều đã kí trong bức thư và khẳng định rằng trong khi mức thuế trung bình đối với mặt hàng giày dép là 11,3%, thì một số trường hợp có thể sẽ lên tới 67.5%. “Việc tăng thuế quan lên 25% trên con số vốn đã cao đồng nghĩa với việc rất có thể nhiều gia đình lao động ở Mỹ sẽ phải trả thuế gần như 100% cho đôi giày của con cái họ”, các công ty viết trong bức thư.
Khi quyết định tăng thuế quan từ vài tuần trước, TT Trump có gợi ý với các công ty rằng họ có thể giảm thiểu được chi phí bằng cách chuyển các nhà máy và đơn vị sản xuất về Mỹ, hoặc có thể mua từ các đất nước phi thuế quan. "Số lượng hàng hoá Trung Quốc mua từ Mỹ ít hơn nhiều so với Mỹ mua từ Trung Quốc, với con số chênh lệch có thể gần tới 500 tỷ đô la, do đó nên chúng ta đang đứng ở một vị trí quá tuyệt vời. Hãy sản xuất hàng hoá của bạn tại quê hương Hoa Kỳ và sẽ không có mức thuế quan nào cả. Các bạn cũng có thể mua từ một đất nước phi thuế quan thay vì Trung Quốc. Rất nhiều công ty đang rời khỏi Trung Quốc..." - TT Donald Trump viết trên twitter.
Trả lời lại điều này, các nhà sản xuất và bán lẻ nói rằng tuy họ đã và đang có những động thái chuyển hướng khỏi Trung Quốc, tuy nhiên “giày dép là một ngành công nghiệp rất cần vốn, đòi hỏi nhiều năm lập kế hoạch để đưa ra quyết định tìm nguồn cung ứng cho nên các công ty không thể chỉ đơn giản ‘chuyển’ nhà máy để điều chỉnh cho những thay đổi này”.
Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp lại nhau để thảo luận về thương mại tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tháng sáu tới.
Theo BBC