Ông nguyên là chủ nhiệm khoa Máu – Độc – Xạ Viện Quân y 103, sau đó chuyển công tác về Bệnh viện 108... Sự nghiệp của ông – cả trong công tác cứu chữa thương bệnh binh và nghiên cứu khoa học đều gắn với hai chữ “Đam mê”. Niềm đam mê cháy bỏng đó đã dẫn lối ông đến hoạt động kinh doanh và rồi bỗng trở thành nổi tiếng. Với một nhà khoa học thuần túy, đam mê cháy bỏng nghề nghiệp, sự nổi tiếng trên thương trường là một “chuyện thú vị” bởi vì nó… nằm ngoài những dự án mà ông đeo đuổi cả đời người.
Chủ nhiệm đề tài thoát chết nhờ…sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình
Câu chuyện cách đây đã 20 năm. Cho đến ngày hôm nay, kể chuyện về TS Trần Minh Vịnh, nhiều đồng nghiệp , bạn bè của ông trong Viện Quân y 108 còn nhớ vụ ông bị nhồi máu cơ tim, nhờ bình tĩnh nhai hoạt huyết CM 3 – sản phẩm của dự án khoa học cấp Nhà nước mà ông là chủ dự án - đã thoát được cơn tai biến. Sau khi kiểm soát được tình hình, ông mới để vợ con gọi xe cấp cứu đưa đến Viện. Hồi đó các loại thuốc cấp cứu làm tan cục máu đông chưa được phổ biến như hiện nay. Viên Hoạt huyết CM 3 có tác dụng phá ứ huyết, thông huyết, giúp chính tác giả đề tài thoát khỏi lưỡi hái tử thần … đã gây xôn xao giới y học. Hoạt huyết CM 3 cũng “nổi tiếng” từ đó, sau này trở thành nền tảng (cả về tài chính và danh tiếng) để ông và cộng sự thành lập doanh nghiệp, tiếp tục đi sâu nghiên cứu và biến kết quả khoa học thành sản phẩm chữa bệnh cho con người.
Là bác sĩ được đào tạo tây y nhưng ông lại rất đam mê nghiên cứu đông y và phương thức chữa bệnh đông tây y kết hợp sao cho hiệu quả nhất. Tình yêu với cỏ cây vườn nhà của ông bắt đầu từ những ngày bé thơ - phụ cha làm thuốc chữa bệnh cho bà con lối xóm. Dần dần ông hiểu thêm: Mỗi con người là một vũ trụ thu nhỏ, đều tuân theo quy luật cân bằng âm dương. Bệnh từ nơi nào đến ắt phải có nơi để đi ra. Nắm được quy luật này, cộng với những kiến thức y học hiện đại đã được tiếp nhận là nắm được phần cơ bản chìa khóa để tìm ra bệnh và chữa bệnh.
Có duyên gặp người tri kỷ
Một thực trạng đang hiện hữu là phần lớn các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học bị “đắp chiếu” vì thiếu sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà kinh doanh. “Bắt” các nhà khoa học phải đưa sản phẩm vào guồng máy sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu… là “đánh đố” họ. Nhưng làm thế nào để gặp được “ông doanh nghiệp” vừa có máu kinh doanh - biết tính toán lỗ lãi, vừa trọng tình trọng nghĩa, trọng nhà khoa học, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trước lợi nhuận và thổi hồn nhân văn vào trong từng sản phẩm… thì có giống như “mò kim đáy bể” không?
Hơn 10 năm trước, người viết bài này có cơ duyên được chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa hai con người - hai lĩnh vực hoạt động: nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Hai người đàn ông thuộc hai thế hệ cách xa nhau đó đã nói về những sản phẩm thuốc – thực phẩm thuốc đã và đang được nghiên cứu. Một người chia sẻ ước mơ cho ra đời những sản phẩm từ dược thảo, được khoác thương hiệu để đưa chúng vào cuộc sống, phục vụ con người; Một người chia sẻ khát vọng, kinh nghiệm, niềm tin về những bước đi để biến những ước mơ đó thành hiện thực… Bằng linh cảm, tôi đoán định: Bác sĩ Trần Minh Vịnh đã gặp được đúng người cần gặp.
"Công ty Dược thảo Phúc Vinh ra đời ngay sau đó với sự kết hợp khá hoàn hảo của “hai niềm đam mê” trên: Tiến sĩ Trần Minh Vịnh – Chủ tịch HĐQT và cử nhân kinh tế, Tổng giám đốc Đào Đình Bảng.
Pháp nhân có. Nhà xưởng có. Hệ thống dây chuyền máy móc được lắp đặt… Thế là song song với nghiên cứu là đẩy mạnh sản xuất. Lần lượt các sản phẩm ra đời, được người tiêu dùng đón nhận: Bổ thận PV hướng về chữa bệnh tận gốc; Thấp khớp PV giải quyết tình trạng tê bì nhức mỏi do bế tắc khí huyết, giúp người bệnh tăng sức đề kháng, đẩy lùi triệu chứng bệnh; Nhiệt miệng PV giải quyết nhanh các trường hợp viêm miệng; Tiêu độc PV - thuốc chống dị ứng có hiệu quả; Bạch ngân PV làm mát phổi, thông đường hô hấp, hỗ trợ trong điều trị viêm thanh quản, viêm họng cho người lớn và cả trẻ sơ sinh.…
Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì tương lai phía trước vẫn là một bài toán khó đoán định vì thương trường của thời kỳ hội nhập là một đại dương cuộn sóng. Nếu đem thuyền thúng ra khơi thì chẳng mấy lúc sẽ bị sóng gió vùi dập. “Phải xây nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO chú ạ. Nếu không chúng ta sẽ không thể tồn tại”. Tổng Giám đốc Đào Đình Bảng đề nghị. Tuổi trẻ bàn chuyện làm ăn lớn, có phần mạo hiểm là chuyện dễ hiểu, nhưng với một nhà khoa học bước vào tuổi tri thiên mệnh, lại từng thoát khỏi cơn tai biến… mà dám gật đầu cho sức trẻ tung hoành – thì là điều lạ. Với vai trò là Chủ tịch HĐQT, ông hoàn toàn có thể gạt phăng ý tưởng xây nhà máy đạt chuẩn quốc tế với những lý do chính đáng: Thời gian, sức lực không còn nhiều; Tiền bạc đủ cho một gia đình sung túc… Nhưng, ước mơ biến những kết quả nghiên cứu; những bài thuốc, kinh nghiệm từ thời kỵ nội (hiệu là Phúc Vinh, nguyên là lương y nổi tiếng xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), truyền sang đời ông nội (nhân dân gọi là ông Tú Đương ) và người cha – người phát triển các thang thuốc đông y sang dạng viên... thành những sản phẩm chinh phục thế giới hiện đại đã thôi thúc ông đồng tâm hợp lực với Tổng Giám đốc.
Cánh cửa mở ra thế giới
4 năm cho dự án xây dựng một nhà máy đạt chuẩn quốc tế đã hoàn thành. Bài toán kinh tế lấy ngắn nuôi dài (vừa sản xuất vừa xây dựng), sử dụng một phần vốn vay đã phát huy hiệu quả. Ngày cuối cùng của năm 2014 với TS Trần Minh Vịnh và cộng sự trẻ - doanh nhân Đào Đình Bảng là một ngày đáng nhớ: Giờ làm việc kết thúc cũng là thời điểm Bộ Y tế hoàn tất việc nghiệm thu nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO. Cả hai chú cháu đều thấm mệt nhưng niềm vui thì khôn tả. Chưa có thời gian tổ chức cắt băng khánh thành, hệ thống máy móc trong các phân xưởng đã bắt đầu chạy để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đi hết khu điều hành – một tòa nhà 3 tầng được xây dựng theo phong cách hiện đại được bao bọc bởi vườn cây xanh, TS Trần Minh Vịnh dẫn chúng tôi sang thăm khu sản xuất. Đó là những phân xưởng liên hoàn, bắt đầu từ kho sơ chế. Ở khâu này, nguyên liệu thô được rửa sạch và sấy khô bằng hệ thống máy, sau đó được xao tẩm tùy theo công thức của từng loại sản phẩm rồi chuyển sang hệ thống máy chiết (thay cho sắc thuốc bằng ấm)…
Mỗi loại sản phẩm có công thức pha chế riêng, qua hệ thống chiết sẽ trở thành cao đặc … sau đó được chuyển vào những hệ thống dây chuyền khác nhau để cho ra những loại thuốc khác nhau. Có 4 loại dây chuyền sản xuất với hệ thống máy móc khác nhau: Dây chuyền nang cứng có máy trộn khô, trộn nước, lò sấy viban, sấy tầng sôi, máy trộn tá dược rồi đến máy dập viên nang, sàng lọc và lau khô, được chuyển đến kho biệt trữ rồi ép vỉ hoặc đóng lọ… Dây chuyền bao đường có phòng trộn nước, phòng sấy tĩnh, nghiền, sửa hạt (sàng hạt), phòng trộn tá dược trơn, phòng biệt trữ, làm sạch viên, phòng pha chế dịch bao viên, bao đường và đánh bóng…Dây chuyền nang mềm bao gồm phòng pha chế dịch thuốc, phòng nấu gelatin, phòng sấy bằng điều hòa không khí… Dây chuyền thuốc nước có hệ thống làm sạch máy móc, chai lọ bằng nước tinh khiết, phòng bảo quản, phòng pha chế, bồn làm nguội…
Tất cả hệ thống dây chuyền đều nằm trong một môi trường được kiểm soát cấp độ sạch. Đó là nhờ một khu lọc khí nằm riêng biệt bên cạnh các xưởng sản xuất. Không khí được máy móc xử lý, lọc sạch (bao gồm lọc tiểu phân và lọc khuẩn) rồi được dẫn vào các phân xưởng bằng hệ thống ống bảo ôn. Gần đó là khu lọc nước. Nước từ hệ thống dẫn nước sạch của thành phố được xử lý tiếp qua 3 bước nữa: Lọc thạch anh, làm mềm nước và diệt khuẩn bằng tia cực tím…
TS Trần Minh Vịnh |
Nước sạch được kiểm nghiệm hàng ngày để đảm bảo chất lượng. Một điều đặc biệt nữa đảm bảo cho môi trường sạch là từ khâu sản phẩm hoàn thiện đến khâu đóng gói đều được khép kín, sao cho khi sản phẩm ra đến không khí bên ngoài đều đã được đóng thùng, dán nhãn cẩn thận. Trang phục của nhân viên cũng được kiểm soát chặt chẽ, có nhân sự lo việc giặt, sấy hấp và tiệt trùng. Như vậy để có một viên thuốc phải qua rất nhiều công đoạn với quy trình chặt chẽ và sự kiểm tra nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào cho đến công đoạn cuối cùng, bảo đảm được chất lượng và an toàn với người tiêu dùng.
Nhà máy mới đi vào hoạt động nhưng đã được nhiều doanh nhân, nhà khoa học nước ngoài quan tâm. Họ đến thăm, tìm cơ hội hợp tác nghiên cứu cũng như tiêu thụ sản phẩm. “Điều tôi rất vui là các doanh nhân Nhật Bản vốn khó tính và kỹ lưỡng tỏ ra rất hài lòng khi đến thăm nhà máy. Họ đã lên kế hoạch cung cấp nguyên liệu Nhật cho một số sản phẩm của Công ty. Đây vừa là niềm vui đối với chúng tôi vì sẽ có nguyên liệu đầu vào an toàn”. Ông Vịnh chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Minh Vịnh có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là ở Đức (do ông từng có thời gian dài làm nghiên cứu sinh ở Đức). Các nhà khoa học tận tâm với nghề đã trực tiếp trao đổi khi xây dựng nhà máy ngay tại công ty và cũng đang cùng ông triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu tại Việt Nam để giải quyết bài toán đầu vào cho nhà máy. Cái khó nhất là vốn đang được cộng sự tìm kiếm từ các tổ chức phi chính phủ ở Đức…
Đến thời điểm này, TS Trần Minh Vịnh đã có thể cho phép mình đi chậm lại một chút để tận hưởng niềm vui. Vui vì những ước mơ, dự định lớn đã hoàn thành. Vui vì có những cộng sự trẻ, đặc biệt là Tổng Giám đốc Đào Đình Bảng luôn vững tay chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi trên dại dương thương trường. Vui vì người vợ tri âm tri kỷ của ông luôn đồng hành cùng ông trong từng bước đi. Vui vì các con đã trưởng thành và đều giữ những trọng trách trong xã hội…
Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc long lanh trong đôi mắt tinh anh của ông. Nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO này, những hàng cây lan tưởng nhớ đến ông nội (có biệt hiệu Lan Đình ) này, những con đường uốn lượn bên ngoài khuôn viên nhà máy… tất cả đều bắt đầu từ niềm đam mê chưa bao giờ “hạ nhiệt” của ông. “Tôi vui lắm chứ, biết ơn các cộng sự của tôi lắm, đặc biệt là Bảng. Không có cậu ấy thì không thể có nhà máy này”. Ông nói và tôi lại cảm nhận được những rung cảm của lòng biết ơn đang ngân lên trong trái tim của một nhà khoa học cả đời tận tâm với nghề.