Sau 2 năm “sóng gió”, Big Tech Trung Quốc đón nhận tín hiệu thân thiện hơn từ chính quyền Bắc Kinh

Thông báo tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của Alibaba mới đây được coi là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể nới lỏng sự giám sát chặt chẽ đối với lĩnh vực công nghệ…
chính quyền Bắc Kinh

Vào cuối năm 2020, một cuộc trấn áp theo quy định đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đã chính thức được chính quyền Bắc Kinh triển khai, xóa sạch tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ USD khỏi các công ty lớn nhất của đất nước tỷ dân. 

Thời điểm đó, chính phủ nước này cũng thường xuyên lên án việc mở rộng vốn một cách vô trật tự của các công ty công nghệ phát triển thành tập đoàn lớn. 

Tuy nhiên cho đến nay, đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang “dịu giọng” hơn trong lập trường của mình đối với những “gã khổng lồ” internet.

Ông George Efstathopoulos, giám đốc danh mục đầu tư tại Fidelity International, nhận xét: “Những cơn gió ngược về quy định được thấy trong hai năm qua tại Trung Quốc… có lẽ sẽ sớm thay đổi thành cơn gió xuôi cho các doanh nghiệp công nghệ”.

Thông báo tái cơ cấu Alibaba và sự trở lại của Jack Ma

Hôm 28/3, Alibaba Group của Trung Quốc đã công bố một cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử tập đoàn. Trong đó, Alibaba sẽ được tách thành sáu đơn vị kinh doanh, bao gồm Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce Group và Digital Media and Entertainment Group. 

Ngoài ra, thông báo của Alibaba cũng lưu ý rằng 6 doanh nghiệp mới có thể huy động vốn từ bên ngoài và thậm chí phát hành IPO riêng biệt.

Nhận xét về tin tức trên, ông George Efstathopoulos của Fidelity International cho rằng động thái này có thể cho thấy tín hiệu “bật đèn xanh” từ các cấp lãnh đạo của chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh việc Alibaba thông báo tái cơ cấu doanh nghiệp, sự tái xuất của nhà sáng lập Jack Ma trước công chúng sau nhiều tháng ở ẩn cũng đặt ra nhiều kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ có giọng điệu thân thiện với lĩnh vực công nghệ và các tỷ phú trong ngành.

Một số người cho rằng chính ông Jack Ma là người đã châm ngòi cho cuộc trấn áp công nghệ khi vị tỷ phú này đưa ra những bình luận gay gắt đối với cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc. 

Bởi chỉ vài ngày sau, Ant Group - chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba do Jack Ma kiểm soát - đã buộc phải hủy đợt niêm yết kép tại Hồng Kông và Thượng Hải sau khi các nhà quản lý cho biết công ty không đáp ứng các yêu cầu để niêm yết cổ phiếu.

Sau đó, chính phủ Trung Quốc nhanh chóng giới thiệu một loạt quy định trong các lĩnh vực từ bảo vệ dữ liệu đến cách thức mà các công ty có thể sử dụng thuật toán.

Do đó, sự xuất hiện của Jack Ma ở Hàng Châu, cũng là nơi đặt trụ sở chính của Alibaba, cũng là một tín hiệu được giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ nới lỏng việc giám sát ngành công nghệ. 

“Jack Ma không trở lại Hàng Châu vì ông ấy thấy mệt mỏi với việc chu du khắp thế giới. Tôi nghĩ đây là một kế hoạch đã được tính toán và có mục đích chứng minh rằng các nhà chức trách đang giảm bớt áp lực lên khu vực tư nhân”, ông Stephen Roach, một thành viên cao cấp tại Đại học Yale chia sẻ quan điểm với CNBC.

Trọng tâm tăng trưởng kinh tế

Trong suốt thời gian đại dịch, nền kinh tế của Trung Quốc đã phải đối mặt với vô số khó khăn, một phần là do các chính sách nghiêm ngặt về Covid-19 và các chiến lược thắt chặt quy định của đất nước. 

“Trung Quốc đang phải đối mặt với cả tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu và sự cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng từ Mỹ. Họ đang ở một vị trí khá khó khăn. Vì vậy, chính phủ cần nền kinh tế hoạt động hết công suất”, ông Linghao Bao, nhà phân tích công nghệ tại Trivium China, nói với CNBC.

Vào đầu năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% cho năm 2023 và để đạt được điều đó, họ sẽ cần tới sự giúp đỡ của các doanh nghiệp tư nhân - bao gồm cả lĩnh vực công nghệ.

Điều này cũng là lí do vì sao ngày càng có thêm nhiều dấu hiệu nới lỏng quy định trong thời gian qua ở Trung Quốc.

Cụ thể là ở lĩnh vực trò chơi điện tử - vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào năm 2021. Đó là khi các nhà chức trách bày tỏ quan ngại về tình trạng nghiện game trong giới trẻ và quyết định đóng băng việc phê duyệt các bản phát hành trò chơi mới trong vài tháng. 

Cho đến năm 2022, các cơ quan chức năng bắt đầu xem xét lại giấy phép của những phiên bản game mới, nhưng chủ yếu vẫn là của các hãng trong nước. Và chỉ đến gần đây họ mới chấp thuận thêm một loạt tựa game nước ngoài được phép phát hành tại Trung Quốc.

Cũng trong tháng này, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi - một trong những công ty bị cuốn vào cuộc đại tu quy định - chính thức công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh sau thời gian vướng phải nhiều thách thức. 

Trước đó vào tháng 6/2021, Didi đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ nhưng bị các cơ quan quản lý Trung Quốc giám sát về an ninh mạng chỉ trong vài ngay sau. Cuối cùng công ty đã phải bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York và cân nhắc lại kế hoạch ở Hồng Kông.

Xin Sun, giảng viên cao cấp về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại Đại học King's College London, cảnh báo rằng mặc dù có những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư, nhưng cũng có lý do để thận trọng. Ông Sun cũng tỏ ra cẩn trọng trước sự lạc quan quá mức xung quanh lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, bởi diễn biến mới tại Alibaba đặt ra câu hỏi cho tương lai của những cái tên lớn khác. 

“Trong ngắn hạn, quá trình tái cấu trúc của Alibaba có thể được coi là thông lệ hóa các hành động quản lý của chính phủ và mang lại một số quy định chắc chắn cho lĩnh vực này”, ông Xin Sun giải thích. “Tuy nhiên, về lâu dài, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về số phận của những “gã khổng lồ” công nghệ khác. Liệu Tencent, Meituan và ByteDance có hành động tương tự hay không? Nếu vậy, họ sẽ tự quyết định hay chờ lệnh từ chính phủ? Sự không chắc chắn như vậy sẽ tiếp tục đè nặng lên niềm tin và tâm lý của các doanh nhân và nhà đầu tư”. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…