Theo báo cáo từ Bộ Thương Mại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Liu He đã thảo luận về chính sách kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ trong cuộc họp cùng Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen vào 18/1. Trong đó, báo cáo cho biết "Trung Quốc hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ chú ý đến tác động của các chính sách công nghệ đối với cả hai bên”.
Vào tháng 10, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các lệnh cấm sâu rộng đối với các doanh nghiệp và cá nhân Hoa Kỳ làm việc với đối tác Trung Quốc về vật liệu bán dẫn cao cấp. Lệnh cấm tuân theo các hạn chế của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đối với các công ty cụ thể của Trung Quốc như SMIC và Huawei. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng chưa loại bỏ các thuế quan thương mại từ thời Tổng thống Trump đối với Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh đã trả đũa lại bằng những phương thức thuế quan của riêng mình, nhưng phản ứng thực chất nhất của họ đối với các lệnh cấm công nghệ của Hoa Kỳ là đệ đơn tranh chấp lên Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12.
Tuy nhiên, thông báo mới đây từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ về cuộc gặp tại Zurich lại không đề cập đến khía cạnh công nghệ. “Trong cuộc trò chuyện thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng, bà Janet Yellen và ông Liu He đã trao đổi quan điểm về sự phát triển tài chính và kinh tế vĩ mô”, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết.
Trước đó tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He phát biểu: “Để chế ngự lạm phát, một số quốc gia đã chọn chính sách có khả năng dẫn đến vòng lặp tăng-suy thoái-phục hồi. Chúng tôi kêu gọi việc chú ý nhiều hơn đến tác động lan tỏa tiêu cực của việc tăng lãi suất của các nước lớn đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển để không làm tăng thêm nợ hoặc rủi ro tài chính”.
Đối với Trung Quốc, ông Liu He cho rằng “phát triển kinh tế chất lượng cao phải luôn là mục tiêu hàng đầu”, trong đó các biện pháp hỗ trợ bất động sản đã cho thấy hiệu quả và nước này sẽ tập trung hơn vào thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã tăng 8% trong năm ngoái tính theo đồng USD. Một bản phát hành ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư từ Hàn Quốc, Đức, Anh và EU nói chung, nhưng không đề cập đến Hoa Kỳ.