Sau giai đoạn bùng nổ, người tiêu dùng bắt đầu chán sâm panh

Doanh số sâm panh suy giảm mạnh vào 2023 sau một năm 2022 phá kỷ lục được thúc đẩy khi các lệnh lockdown Covid-19 bắt đầu được dỡ bỏ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sau giai đoạn bùng nổ, người tiêu dùng bắt đầu chán sâm panh

Comité Champagne, một hiệp hội thương mại đại diện cho hơn 16.000 nhà sản xuất rượu vang và 320 nhà sản xuất rượu sâm panh (champagne), cho biết trong một báo cáo mới đây nhất rằng tổng lượng xuất khẩu rượu sủi bọt từ Pháp vào năm 2023 đã giảm xuống còn 299 triệu chai, thấp hơn 8,2% so với năm 2022.

Điều đó đánh dấu sự trở lại gần như mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019, khi có 297,3 triệu chai được xuất xưởng. Trong thời kỳ đỉnh cao vào năm 2022, doanh số bán hàng đã tăng 33%, với 325 triệu chai được xuất xưởng.

Hiệp hội Comité Champagne lưu ý thêm trong một thông cáo riêng biệt rằng mặc dù tổng lượng hàng xuất xưởng giảm nhưng lợi nhuận tài chính của nhiều hãng sản xuất sâm panh chưa bị ảnh hưởng quá nhiều vì họ bán được các thương hiệu đắt tiền hơn, do đó giúp doanh nghiệp duy trì doanh thu trên 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) trong một năm nữa.

Tại Pháp, quốc gia có số lượng người tiêu dùng sâm panh lớn nhất cũng chứng kiến con số doanh số sụt giảm mạnh. Hiệp hội cho biết tại đây, doanh số năm ngoái đã giảm 8,2% xuống còn 127 triệu chai do nước này phải chịu mức lạm phát cao hơn so với các thị trường khác, lý do đè nặng lên ngân sách hộ gia đình trong suốt cả năm.

Ông David Chatillon, đồng chủ tịch hiệp hội, cho biết sự sụt giảm đã được dự đoán trước, nhưng với giá trị được duy trì, ngành rượu vang và sâm panh vẫn lạc quan về tương lai nhưng cũng cẩn trọng trước bối cảnh địa chính trị và tình trạng của nền kinh tế toàn cầu.

Các loại rượu vang và rượu mạnh khác - chẳng hạn như rượu whisky - cũng chứng kiến ​​doanh số bán hàng và đơn vận chuyển giảm do người tiêu dùng nói chung giảm bớt việc dự trữ rượu trong nhà kể từ khi các nhà hàng và quán bar mở cửa trở lại hoàn toàn.

Đối với LVMH Moët Hennessy, nhà sản xuất rượu sâm panh lớn nhất và là chủ sở hữu của các thương hiệu cao cấp như Moët & Chandon và Dom Pérignon, “cú sốc doanh số” đã được phản ánh trong báo cáo thu nhập tháng 10 (bao gồm kết quả 9 tháng đầu năm 2023). Danh mục rượu vang và rượu mạnh là hoạt động kinh doanh duy nhất của tập đoàn LVMH ghi nhận mức đà giảm, giảm 7%.

Thực chất, tên rượu sâm panh chỉ dành riêng cho loại rượu vang được sản xuất bởi 16.200 vườn nho trên diện tích 34.300 ha của vùng Champagne phía đông bắc Paris. Một báo cáo mới đây cho thấy, khu vực này đang phải vật lộn với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ví dụ như nhiệt độ cao và sương giá sớm, khiến những người sản xuất rượu vang vào năm 2021 chứng kiến vụ thu hoạch ít nhất kể từ năm 1957. Diễn biến này đã khiến Pháp thiệt hại tổng doanh thu khoảng 2 tỷ USD.

Có thể bạn quan tâm