Nữ hoàng Elizabeth II, quốc vương trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, đã qua đời vào ngày 8/9 tại Lâu đài Balmoral, Scotland, vài giờ sau khi các bác sĩ bày tỏ lo lắng về tình hình sức khoẻ của bà.
Hàng nghìn người Anh đã tập trung bên ngoài Cung điện Buckingham trong cơn mưa tầm tã để bày tỏ lòng tôn kính đối với Nữ hoàng.
Tạm hoãn các hoạt động chính trị thông thường
Trong suốt thời gian quốc tang, chính phủ Anh sẽ không đưa ra bất kỳ thông báo nào trong 10 ngày tới. Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã lùi cuộc họp chính sách tiền tệ của mình sau một tuần.
Tân Thủ tướng Liz Truss “bước vào” số 10 Phố Downing trong thời điểm có nhiều thay đổi đối với nước Anh, phải đối mặt với tình trạng triển vọng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm, khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc và bất bình đẳng gia tăng.
Vài giờ trước khi nữ hoàng qua đời, bà Truss đã bắt đầu vạch ra kế hoạch của mình để chống lại cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tiết lộ một gói tài trợ rộng rãi được thiết kế để giúp người Anh thanh toán hóa đơn năng lượng, vốn đã tăng vọt sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Bộ Tài chính cho biết gói tài trợ, được thiết lập hơn 100 tỷ bảng Anh, sẽ làm giảm mức lạm phát đỉnh cao 4-5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng động thái này có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ vốn đã rất lớn của Ngân hàng Trung ương Anh là kiềm chế giá cao kỷ lục, bằng cách thúc đẩy chi tiêu cho hàng hóa và tiền lương.
Ngân hàng trung ương Anh ( BoE ) đã thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 27 năm vào tháng trước, nâng điểm chuẩn lên 1,75%, nhằm giảm lạm phát - hiện đang cao nhất trong số các quốc gia G7 ở mức 10,1%. Các nhà đầu tư dự kiến về một đợt tăng thêm 50 điểm cơ bản khi BoE họp trong lần tới.
Rủi ro suy thoái gia tăng
Các dự đoán về triển vọng không chắc chắn đối với nền kinh tế được đưa ra khi Vương quốc Anh phải đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăng. Tuần trước, Goldman Sachs cảnh báo rằng Vương quốc Anh có thể rơi vào suy thoái trong quý 4 năm nay, lặp lại những dự báo trước đó của Ngân hàng Trung ương Anh.
Vương quốc Anh hiện đang chuẩn bị cho “một mùa đông khó khăn” đối với cả hộ gia đình và doanh nghiệp. Đồng bảng Anh đã sụt giảm trong vài tháng qua, chạm mức thấp nhất trong 37 năm là 1,1469 USD vào 7/9.
Điều này gây áp lực không chỉ lên tân Thủ tướng Liz Truss mà còn cả Vua Charles - hai nhà lãnh đạo mới của Anh, người có vai trò đảm bảo lòng tin và tình cảm của công chúng trong thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong thời gian quan, chế độ quân chủ cũng đã phải đối mặt với những chỉ trích liên tục vì lỗi thời và tiêu tốn tài chính công.
“Vua Charles đã có những kế hoạch - mà chúng ta sẽ được thấy trong những tháng tới và chắc chắn là nhiều năm sau này - để giảm bớt chi phí trong các hoạt động của Hoàng gia,” Andrew Roberts, một nhà sử học và giáo sư tại King’s College London, nói với CNBC. “Rõ ràng là Vương quốc Anh đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lớn, và những gì mọi người muốn thấy là Hoàng gia cũng cùng chung tay giảm bớt gánh nặng.”