TGĐ ITSUPRO: Nếu có niềm đam mê, dù khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng sẽ thành công

Tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội với tấm bằng chuyên ngành tiếng Anh - Hệ phiên dịch, nhưng chàng sinh viên quê xứ Nghệ lại quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực CNTT.
Ông Phan Văn Sáng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển ITSUPRO
Ông Phan Văn Sáng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển ITSUPRO

Chia sẻ với Thương Gia, ông Phan Văn Sáng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển ITSUPRO cho rằng, nếu có niềm đam mê thì dù khởi nghiệp ở lĩnh vực nào bạn cũng sẽ thành công.

Vậy niềm đam mê của ông đối với lĩnh vực CNTT được bắt đầu từ khi nào?

Tôi lại đam mê với môn Tin học từ năm cấp 2. Và tôi bắt đầu toàn tâm toàn ý cho lĩnh vực này vào năm thứ 3 đại học, khi tôi được gia đình sắm cho một chiếc máy tính để phục vụ cho công việc học hành.

Khi còn là sinh viên, tôi đã biết kiếm tiền từ lĩnh vực này bằng việc nhận cài win, sửa chữa lắp đặt máy tính,... Sau khi ra trường tôi học thêm chứng chỉ quốc tế của Microsoft và Cisco về CNTT và xin vào làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia lớn, phụ trách về mảng CNTT. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng tôi luôn được ban lãnh đạo tin tưởng và giao các vị trí quan trọng ở mảng mà tôi phụ trách. Tuy nhiên sau 10 năm trải nghiệm ở các môi trường khác nhau, giờ đây với tuổi đời tròm trèm 34 tôi mới “chập chững” khởi nghiệp (cười).

Tại sao ông lại quyết định khởi nghiệp ở thời điểm khi sự nghiệp của ông có thể gọi là đang khởi sắc, được các lãnh đạo ở các tập đoàn đa quốc gia ghi nhận về năng lực của mình?

Trong thời gian tôi còn đang đi làm cho các công ty đa quốc gia tôi có quen các anh chị quản lý của Công ty TNHH công nghệ Tầm Nhìn Việt Nam. Trong suốt thời gian đó, công ty có nhờ tôi hỗ trợ, xử lý sự cố ngoài giờ cho một số khách hàng của công ty. Sau đó, ban lãnh đạo công ty TNHH công nghệ Tầm Nhìn Việt Nam đã mời tôi về tiếp quản và xây dựng lại công ty khi biết tôi có ý định khởi nghiệp. Vì trong suốt thời gian gần 10 năm hoạt động (công ty thành lập năm 2009), tình hình kinh doanh không đạt kết quả như mong muốn. Sau đó, hai bên có trao đổi, thống nhất các điều khoản và tôi đã đồng ý tiếp quản công ty. 

Khó khăn khi tiếp nhận Công ty TNHH công nghệ Tầm Nhìn Việt Nam là điều không tránh khỏi, thưa ông?

Đúng vậy. Khó khăn khi chúng tôi tiếp nhận Công ty TNHH công nghệ Tầm Nhìn Việt Nam đó là khách hàng không nhiều, công ty chưa xác định rõ ràng sản phẩm dịch vụ của mình hướng đến lĩnh vực cụ thể nào.

Ông đã khắc phục điều đó như thế nào?

Sau khi tiếp quản công ty, tôi đổi tên Công ty TNHH công nghệ Tầm Nhìn Việt Nam thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển ITSUPRO và cơ cấu lại tổ chức cũng như xác định lại sản phẩm dịch vụ trọng tâm của doanh nghiệp mình. Sau hơn một năm hoạt động, công ty chúng tôi đã nhận được chứng nhận Partner của các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Acronis, Sophos... Dịch vụ hiện tại của công ty là cung cấp một hệ sinh thái dịch vụ CNTT cho các doanh nghiệp, bao gồm một chuỗi sản phẩm công nghệ từ lúc doanh nghiệp còn sơ khai đến một hệ thống hoàn chỉnh như: giải pháp mạng, giải pháp bảo mật, hệ thống dữ liệu hay vận hành toàn bộ người dùng trong công ty…

Để bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp, nên nâng cao ý thức bảo vệ ngay chính đối với những người trong doanh nghiệp
Để bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp, nên nâng cao ý thức bảo vệ ngay chính đối với những người trong doanh nghiệp

Về khách hàng, sau hơn một năm tiếp quản, chúng tôi đã xây dựng được một tệp khách hàng khá nhiều. Nguồn khách hàng chủ yếu là các mối quan hệ mà tôi đã có trong hơn 10 năm qua và từ các cổ đông, đối tác và khách hàng giới thiệu. Trong hơn một năm qua các khách hàng vẫn luôn tin tưởng để hợp tác với chúng tôi bởi phương châm hoạt động của ITSUPRO chính là xây dựng niềm tin đối với khách hàng, tạo sự tin tưởng để khách hàng yên tâm tập trung vào việc phát triển kinh doanh, giao nhiệm vụ về mảng CNTT cho ITSUPRO chúng tôi quản lý.

Vì sao đối tác lại có sự tin tưởng đối với ITSUPRO nhanh đến vậy, thưa ông?

Để có sự tin tưởng này là cả một quá trình dài. Như tôi đã chia sẻ, trong 10 năm tôi làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia, tôi đã cố gắng gây dựng uy tín cho bản thân mình. Với các khách hàng hiện tại của ITSUPRO, chúng tôi đã tạo uy tín bằng cách xử lý nhanh và đạt hiệu quả cao đối với các vấn đề và vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, đưa ra các giải pháp công nghệ để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời luôn phục vụ 24/7, kể cả ngày lễ Tết, nếu khách gặp sự cố chúng tôi vẫn rất sẵn sàng để hỗ trợ giải quyết…

Ông có nghĩ rằng để bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp, chúng ta nên nâng cao ý thức bảo vệ ngay chính đối với những người trong doanh nghiệp?

Điều đấy rất cần thiết đối với các doanh nghiệp. Chúng tôi đã hiện thực hoá việc nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp bằng các chương trình đào tạo miễn phí về những kiến thức như: Cần làm thế nào để tránh mất mát dữ liệu của doanh nghiệp khi đang làm việc, cần làm thế nào để phòng tránh các virus, làm thế nào để bảo vệ dữ liệu, khôi phục trong các trường hợp sự cố ngoài ý muốn xảy ra đối với hệ thống dữ liệu công ty… Qua những buổi đào tạo như thế đã giúp nhân viên ý thức hơn trong việc bảo vệ dữ liệu, giảm thiểu sự lo lắng cho chủ doanh nghiệp trong vấn đề bảo mật thông tin của doanh nghiệp mình.

Công ty chúng tôi cũng đang có một số giải pháp giúp khách hàng có thể bảo mật dữ liệu của mình tốt hơn như: Gói dịch vụ sao lưu, dịch vụ phòng tránh mất mát, đánh cắp dữ liệu, lây nhiễm virus …

Là một doanh nghiệp khởi nghiệp, ông có kiến nghị gì đối với Chính phủ để các doanh nghiệp có thể khởi nghiệp một cách thành công nhất?

Hầu hết các chủ doanh nghiệp IT đi lên từ kinh nghiệm của mình. Một số chưa hình dung được những các khó khăn đang chờ họ phía trước. Họ cũng không biết được nên tuyển nhân sự như thế nào, vấn đề pháp lý ra sao khi bắt đầu khởi nghiệp… Để có thể biết được điều đó, họ chủ yếu hỏi từ bạn bè hay các mối quan hệ. Do đó chúng tôi mong muốn Chính phủ thành lập một kênh thông tin kiểu như Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để hướng dẫn các startup khởi nghiệp thành công. Các doanh nghiệp có thể đăng ký làm thành viên trên Cổng để họ dễ dàng tham khảo thông tin khi cần, hoặc có thể trao đổi một vấn đề nào đó với nhau bất cứ lúc nào.

Để Cổng thông tin hoạt động tốt, nguồn ngân sách ban đầu có thể từ Nhà nước, sau đó kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp để cổng thông tin ngày càng phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm