Với nhiệt độ ở châu Âu đã lên đến mốc kỷ lục vào mùa hè này, xu hướng du lịch dự kiến sẽ có sự thay đổi trong những năm tới.
Theo báo cáo của Uỷ ban Du lịch châu Âu, do hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhu cầu du lịch tới châu Âu sẽ dần chuyển sang thời điểm tháng 4 thay vì tháng 7 như trước đây.
Như Ủy ban giải thích, nguy cơ nhiệt độ tăng thêm 3 hoặc 4 độ C sẽ làm giảm gần 10% lượng khách du lịch trong mùa hè ở các khu vực ven biển phía Nam. Mặt khác, nhu cầu về du lịch tới phía bắc sẽ tăng thêm 5% và nhiều người sẽ chọn đi du lịch trước khi mùa hè chính thức bắt đầu để hưởng thụ thời tiết mát mẻ.
“Dựa trên các dữ liệu được báo cáo, sự quan tâm của khách du lịch đối với châu Âu sẽ giảm vào tháng 7 và tăng vào tháng 4. Dù cho có sự thay đổi nhu cầu theo mùa, nhưng du lịch sẽ vẫn phát triển tốt trong thời gian tới”, tuyên bố của Ủy ban EU nhấn mạnh.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện đầu năm nay cho thấy, gần 30% khách du lịch tới châu Âu có ý định đến đây trong thời gian tháng 4 đến tháng 5, tăng 6% so với năm 2022. Ngược lại, chỉ có 23% người mong đợi thực hiện các chuyến đi trong tháng 7 tháng 8, giảm 9% so với năm ngoái. Sự thay đổi này có thể phản ánh mong muốn tránh đám đông cao điểm và các đợt nắng nóng.
Năm nay, Ý, Pháp, Hy Lạp và Bồ Đào Nha - những nơi thường chào đón hàng triệu lượt khách đến mỗi mùa hè - đã ghi nhận một số khu vực có nhiệt độ cao nhất trong hơn 50 năm. Và cũng vì nhiệt độ tăng cao mà những điểm đến này phải đối mặt với nạn cháy rừng, đe dọa đến cuộc sống người dân và sự an toàn của du khách.
Chi phí đi lại tăng do lạm phát và tài chính cá nhân vẫn là mối quan tâm lớn nhất của du khách. Điều này có thể giải thích tại sao 51% khách du lịch đã chủ động đặt chỗ trước toàn bộ cho chuyến đi – tăng 8% so với năm ngoái – để đảm bảo có được mức giá “hời nhất”.
Điều kiện thời tiết dễ chịu (18%) là động lực lớn nhất trong quá trình lựa chọn điểm đến, tiếp theo là những ưu đãi du lịch hấp dẫn (17%), không quá đông đúc (11%) và sự thân thiện của cộng đồng địa phương (10%). Bên cạnh đó, 7% du khách cho rằng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là mối lo ngại đáng kể. Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine vẫn là một mối lo ngại khác (12%), chủ yếu là ở những người được hỏi ở Thụy Sĩ, Ba Lan, Áo, Ý và Hà Lan.
Riêng đối với người dân châu Âu, để đối phó với chi phí du lịch ngày càng tăng, 37% hiện đang phân bổ ngân sách trên 1.500 Euro cho mỗi chuyến đi trong khu vực– tăng 7% so với năm 2022. Ngoài ra, 19% du khách dự kiến sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi sắp tới.
Pháp và Tây Ban Nha vẫn là những điểm đến được yêu thích nhất. Ý, Hy Lạp và Đức theo sau, trong đó Bỉ cũng lọt vào danh sách 10 điểm hàng đầu ở châu Âu.