Kể từ những năm 1970, đây là lần đầu tiên ông Steve Perillo, giám đốc điều hành công ty du lịch Perillo Tours (Mỹ), chứng kiến lượng khách du lịch đặt các chuyến đi đến Châu Âu tăng đột biến như vậy. Ông Perillo cho biết, công ty của ông thường bán được khoảng 80% tổng suất du lịch trong một năm. Tuy nhiên vào năm nay, tính đến thời điểm tháng 6/2023, khoảng 96% trong số 500 chuyến khởi hành hàng năm của công ty tới Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp đều đã được đặt trước và ông Perillo dự kiến con số đó sẽ đạt 100% trong vòng vài tuần tới, trước khi công ty bắt đầu thực hiện các chiến lược tiếp thị cho mùa du lịch 2024.
Đối với ông Perillo, tín hiệu về một mùa du lịch “bom tấn” 2023 đã bắt đầu xuất hiện kề từ mùa thu năm ngoái, khi công ty đưa ra mức giảm giá 5% cho dịp lễ Black Friday. “Đó là khi chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu du lịch đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng, và đáng nhẽ ra chúng tôi nên tăng giá thêm ấy chứ”, ông Perillo hài hước chia sẻ.
Chi phí đắt đỏ
Theo nhà cung cấp bảo hiểm du lịch Allianz Partners, số lượng người Mỹ đi du lịch châu Âu vào mùa hè này dự kiến sẽ tăng 55% so với số liệu của năm ngoái và cao hơn 600% so với năm 2021. London, Paris và Dublin đứng đầu năm 2023 trong danh sách các điểm đến phổ biến nhất trong khi Rome, Reykjavik, Amsterdam và Lisbon cũng lọt vào top 10.
Tất nhiên, tất cả nhu cầu đó đã đẩy giá cả tăng mạnh. Theo trang web theo dõi chuyến bay Hopper, giá vé máy bay đến châu Âu đang ở mức cao nhất trong 5 năm. Cụ thể, giá vé khứ hồi đến từ Mỹ đến lục địa này trung bình vào khoảng 1.200 USD, cao hơn 300 USD so với năm 2022 và tăng 26% so với giá trước đại dịch vào năm 2019.
Mức giá ở các khách sạn châu Âu được dự đoán sẽ tăng mạnh vào năm 2023, theo American Express Global Business Travel (AEGBT). Trong đó, Paris tăng 10% so với năm trước, Stockholm tăng 9% và Dublin tăng 8,5%, ba trong số những điểm đến mà AEGBT dự đoán mức tăng ấn tượng nhất.
Du lịch châu Âu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ dù chi phí ngày càng đắt đỏ. Trong nhiều tuần, các thủ đô nổi tiếng của châu Âu như Barcelona, Rome và Paris chứng kiến lượng khách du lịch ở khắp mọi nơi, với các khách sạn quá tải, bảo tàng chật cứng người và nhà hàng hết chỗ.
Trên thực tế, các series phim nổi tiếng như “The White Lotus” và “Emily in Paris” đã phần nào giúp thúc đẩy nhu cầu du lịch tại châu Âu hơn nữa. Theo dữ liệu từ Expedia, các lượt tìm kiếm chuyến bay tới Sicily — hòn đảo bình dị nơi quay phần hai của “The White Lotus” — đã tăng vọt lên ba con số vào mùa hè này, với lượt tìm kiếm đến Messina tăng tới 335% và Palermo tới 180%.
Điều đáng ngạc nhiên đối với một số người là dòng khách du lịch đến châu Âu … sớm hơn bình thường. Milou Halbesma, giám đốc Bảo tàng Rembrandt House ở Amsterdam cho biết: “Nếu tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, bạn sẽ tưởng rằng đang là tháng 7 ấy chứ. Từ trước đến nay, tháng 7 mới là khoảng thời gian đỉnh điểm của du lịch châu Âu”.
Jenn Rice, một nhà báo và nhà tư vấn thương hiệu ở Bắc Carolina, đã tận mắt chứng kiến sự nổi tiếng đó trong một chuyến đi gần đây đến Palermo: “Tôi chưa từng thấy nhiều người như vậy trên đường phố vào tối thứ Bảy. Bạn hầu như không thể di chuyển qua các con đường chật kín người để đến một quán bar khác”.
Tại Paris, Arnaud Morandi, tổng giám đốc của Fauchon L'Hôtel Paris, một khách sạn boutique 5 sao cho biết những du khách hy vọng sẽ mua được vé vào phút cuối cho các sự kiện như Giải quần vợt Pháp Mở rộng, các buổi hòa nhạc, hay đặt chỗ tại các nhà hàng có tiếng cần phải hạ bớt kỳ vọng của mình. “Mọi thứ liên quan đến giải trí, bao gồm cả nhà hàng cao cấp và khách sạn sang trọng, đều được đặt trước từ lâu, sớm hơn nhiều so với trước đây”, ông Morandi lưu ý.
Cần có sự linh hoạt trong kế hoạch
Để đối phó với tình hình đông đúc và chi phí cao trong mùa hè này, nhiều du khách đến châu Âu đã buộc phải điều chỉnh kế hoạch của họ. Ví dụ, nhà báo Jenn Rice đang dựa vào xe lửa và phà để tránh chi phí máy bay đắt đỏ ngay cả ở các hãng hàng không giá rẻ như easyJet và Ryanair.
Cư dân châu Âu cũng đang cảm thấy khó khăn cho kế hoạch nghỉ hè của riêng họ. Sarah Ferguson, người đã chuyển từ Nam Florida (Mỹ) đến Amsterdam (Hà Lan) từ năm 2021 đến nay vẫn chưa thể quay lại Mỹ thăm người thân vì chi phí cho sáu vé chiếc vé máy bay cho cả gia đình là quá mức.
Nhưng ngay cả việc đi du lịch vòng quanh châu Âu - một động lực lớn từ ban đầu cho việc gia đình bà chuyển ra nước ngoài - cũng ngày càng trở nên đắt đỏ. Vé tàu hỏa, phương thức di chuyển mà họ háo hức, có những lúc thậm chí còn đắt hơn vé máy bay. “Trước khi chuyển tới đây sinh sống, chúng tôi thường mơ mộng về việc chu du khắp châu Âu trên những chuyến tàu đường dài. Thật không may, đến nay đó vẫn chỉ là giấc mơ khi mà giá vé tàu trong thời điểm mùa hè còn cao hơn cả máy bay. Quả thật là nực cười”.
Do đó, gia đình Ferguson quyết định điều chỉnh hoạch của mình, thuê hai chiếc xe Toyota Corollas hybrid để lái xe trong 15 giờ tới một khu nghỉ dưỡng cắm trại ở Croatia. “Bạn sẽ cần phải tìm những phương án thay thế sáng tạo hơn mà thôi”, bà Ferguson chia sẻ.
Trong khi đó, bà Pola Henderson, nhà văn mang hai quốc tịch Mỹ và Ba Lan, cũng đã thay đổi dự định du lịch vòng quanh châu Âu. Cho đến gần đây, bà Henderson thường thực hiện một hoặc hai chuyến đi cuối tuần đến các quốc gia khác nhau mỗi tháng. Nhưng giờ đây bà lại chọn cách ở lại thành phố mình đang sống, Paris và trải nghiệm những khu vực ngoại ô thành phố. “Tôi không thể tưởng tượng được việc sống mà không đi du lịch, nhưng bây giờ tôi kén chọn hơn về những gì mình làm”, bà Henderson giải thích. “Nhưng thật sự rất bực bội… bởi vì việc đi lại đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều và không chỉ về giá cả, mà chúng tôi còn phải lên kế hoạch từ rất sớm”.
Du lịch trong mùa cao điểm có thể khiến du khách gặp phải nhiều vấn đề rắc rối như hủy chuyến, chậm trễ giờ bay và các gián đoạn bất ngờ khác. Cho đến nay, một số trục trặc đã xuất hiện, gây bất tiện cho hàng trăm nghìn du khách quốc tế, bao gồm các cuộc biểu tình ở Paris, đình công tại Disneyland Paris trong tháng 6 hay sự cố của máy quét hộ chiếu tại Heathrow và các sân bay khác của Vương quốc Anh vào tháng 5.
Tuy nhiên, tâm trạng phổ biến của nhiều du khách hiện nay vẫn là sự pha trộn giữa phấn khích và thái độ “carpe diem” (nắm bắt khoảnh khắc) — ngay cả ở những nơi đông đúc nhất. Theo lời khuyên của nhà báo Jenn Rice, đừng vì ngại sự đông đúc mà bỏ lỡ cơ hội du lịch của mình. "Hãy tới thăm những gì bạn muốn thấy, chứ không phải vì chúng là xu hướng hay là những gì người khác đang nói về. Tôi đã từng xếp Venice vào danh sách “quá đông đúc, không nên đến thăm” trong nhiều năm, nhưng 2023 là năm tôi quyết định thực hiện chuyến đi của mình”.