Chứng khoán ngày 17/4, thị trường trải qua một phiên giao dịch đầy bất ngờ. Sau quãng lình xình đầu phiên, chỉ số chính bật tăng vào cuối phiên trước sự đồng thuận của nhóm bluechips.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng +6,95 điểm, lên mức 1.217,25 điểm. Số cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 261 mã tăng, có 89 mã giữ giá tham chiếu và 174 mã giảm giá.
Độ mở thị trường đảo chiều với 16/21 nhóm ngành tăng điểm. Tâm lý được cởi bỏ và sự hồi phục của thị trường đến từ lực mua tích cực tại các nhóm ngành nhựa, bất động sản, cảng biển và bất động sản khu công nghiệp... Ở chiều ngược lại, ngành thủy sản ghi nhận mức giảm mạnh nhất, tiếp đến là thực phẩm tiêu dùng.
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30 cũng tăng +9,78 điểm, lên mức 1.303,03 điểm. Trong rổ VN30, số cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 18 mã tăng, 7 mã giữa giá và 5 mã giảm giá.
10 cổ phiếu trong rổ tăng hơn 1%, trong đó 7 mã tăng trên 2%. Nhóm giảm chỉ còn VCB giảm 2,02%, VPB giảm 1,49%, SAB giảm 1,26%, VIB giảm 1,1% và BID giảm 0,42%.
Nếu có sự đồng thuận tốt hơn của các trụ, đà phục hồi cuối phiên sẽ ấn tượng hơn. Ngoài các bluechips rất mạnh như FPT, VIC, MSN, đáng chú ý là GEX tăng 5,62%, VCI tăng 2,17%, KBC tăng 4,37%, DIG tăng 2,96%, HVN tăng 6,49%, HHS tăng 6,19%.
Thanh khoản khớp lệnh thị trường giảm nhẹ so với phiên hôm qua và thấp hơn 25,3% so với khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Lũy kế đến cuối phiên, thanh khoản giao dịch trên sàn HOSE đạt 807 triệu cổ phiếu (-0,24%), tương đương giá trị giao dịch đạt 21.614 tỷ đồng (+10,99%).
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng tăng điểm. Trong đó, chỉ số HNX-Index tăng +0,17 điểm lên mức 209,58 điểm; chỉ số UPCoM-Index tăng 0,15 điểm lên mức 90,53 điểm.
Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi bán ròng mạnh tay 4.585 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 4.550 tỷ đồng. Chiều bán, cổ phiếu VIC bị bán ròng đột biến 4.446 tỷ đồng, chủ yếu qua thỏa thuận. Theo sau, các mã khác cũng bị bán ròng hàng chục tới hơn trăm tỷ đồng còn có VNM (-120 tỷ đồng); HPG (-98 tỷ đồng); STB (-85 tỷ đồng),...
Ngược chiều, cổ phiếu FPT được mua ròng mạnh nhất toàn thị trường với giá trị lên tới 117 tỷ đồng, một cổ phiếu khác cũng được mua ròng hơn trăm tỷ đồng là VCI. Cổ phiếu MWG, VHM và HVN đồng loạt được mua ròng từ 44 tỷ đồng tới 79 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại bán ròng khoảng 500 triệu đồng.
Diễn biến rung lắc, giằng co tích lũy vẫn sẽ là xu thế chủ đạo
Chứng khoán AIS
Chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến hồi phục vào cuối phiên đáo hạn phái sinh. Khối lượng khớp lệnh thu hẹp cho thấy áp lực bán ra có tín hiệu suy giảm.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng diễn biến rung lắc, giằng co tích lũy vẫn sẽ là xu thế chủ đạo của thị trường trong những phiên tới. Có thể sau đó sẽ có những phiên hồi phục rõ nét hơn.
Kháng cự mạnh nhất vẫn là vùng 1.260-1.280 điểm. Trong khi đó, vùng 1.180-1.160 điểm sẽ là hỗ trợ gần nhất. Nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò các cổ phiếu đã điều chỉnh về vùng định giá hấp dẫn.
Quay lại giải ngân ở những cổ phiếu đã hoàn thành nhịp điều chỉnh
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Dòng tiền giải ngân hoạt động sôi nổi trở lại giúp VN-Index từng bước củng cố vùng hỗ trợ 1.200-1.210 điểm. Đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp tổ chức họp Đại hội cổ đông và công bố kết quả kinh doanh quý I nên có thể kích thích vận động của dòng tiền đầu cơ.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục và có tín hiệu kiểm chứng nền giá mới thuyết phục với thanh khoản mua gia tăng tốt.
Đồng thời, có thể quay lại giải ngân ở những cổ phiếu đã hoàn thành nhịp điều chỉnh về vùng nền cũ và thu hút dòng tiền tham gia trở lại với mục tiêu lướt sóng T+.
Thị trường đang có dần có xu hướng chuyển sang sideway
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index chịu áp lực bán trong phần lớn phiên giao dịch, trước khi dần hồi phục và đạt mức điểm cao nhất về cuối phiên. Chỉ số cho thấy sự chuyển biến về trạng thái tương đối khả quan sau khi lực cầu cho phản ứng tại cận trên vùng hỗ trợ gần.
Tuy nhiên, nhịp phục hồi chưa thực sự chắc chắn khi độ rộng vẫn nghiêng nhiều về các mã giảm và dòng tiền mang tính chất thăm dò nhiều hơn.
Vì vậy, nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục gặp áp lực rung lắc mạnh trở lại trong quá trình đi lên và diễn biến của thị trường đang có dần có xu hướng chuyển sang sideway, đi ngang phân hóa.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thuế quan
Chứng khoán Asean
Nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao có thể cân nhắc giải ngân cho mục tiêu dài hạn, tập trung vào các mã hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh tăng trưởng, định giá thấp và cổ tức tiền mặt cao, ưu tiên nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và đầu tư công.
Nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thấp theo dõi chặt chẽ tình hình thuế quan và chuẩn bị phương án quản trị rủi ro phù hợp.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.