"Thủ tướng 44 ngày" Liz Truss từ chức, ông Boris Johnson quay lại ngồi ghế nóng?

Bà Liz Truss giữ vai trò Thủ tướng Anh chỉ trong 44 ngày, trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.
"Thủ tướng 44 ngày" Liz Truss từ chức, ông Boris Johnson quay lại ngồi ghế nóng?

Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức vào ngày 20/10 sau thất bại trong việc điều chỉnh ngân sách làm rung chuyển thị trường tài chính và dẫn đến một cuộc tranh cãi trong Đảng Bảo thủ của chính bà.

Bà Truss nắm quyền chỉ trong 44 ngày, trở thành Thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Trong đó có 10 ngày chính phủ của bà phải tạm nghỉ trong thời gian quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II.

Phát biểu bên ngoài số 10 Phố Downing, bà Liz Truss cho biết bà đã chuyển đơn từ chức tới Vua Charles sau cuộc gặp với Graham Brady, lãnh đạo Ủy ban 1922 của Đảng Bảo thủ. “Với tình hình hiện nay, tôi đã chưa thể hoàn thành công việc được Đảng Bảo thủ uỷ nhiệm,” bà nói trong một bài phát biểu ngắn vào chiều 20/10.

Đảng Bảo thủ sẽ hoàn tất cuộc bầu cử lãnh đạo mới trong tuần tới, nhanh hơn hẳn so với khoảng thời gian hai tháng trong mùa hè qua. Graham Brady, chính trị gia Đảng Bảo thủ phụ trách các cuộc bỏ phiếu và cải tổ lãnh đạo, nói với báo giới rằng ông hiện đang xem xét cách thức bỏ phiếu có thể bao gồm các nghị sĩ Đảng Bảo thủ và nhiều thành viên hơn trong đảng.

Bà Liz Truss sẽ tiếp tục giữ vị trí thủ tướng cho đến khi người kế nhiệm được nêu tên, với một cuộc bầu cử lãnh đạo dự kiến ​​sẽ diễn ra trong tuần tới.

Dưới đây là những ứng cử viên chính cho vị trí Thủ tướng nước Anh:

Rishi Sunak

Rishi Sunak

Rishi Sunak, cựu bộ trưởng tài chính của Anh và là đối thủ chính của bà Truss trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ năm nay, hiện là nhân tố hàng đầu trong danh sách ứng cử viên.

Mặc dù thua bà Truss trong vòng bỏ phiếu cuối cùng, nhưng ông Sunak vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các nghị sĩ trong đảng và được kỳ vọng sẽ mang tới những chính sách tài chính an toàn.

Ông Rishi Sunak, là đã dẫn dắt nền kinh tế Vương quốc Anh vượt qua thời điểm đỉnh dịch Covid-19, nay được những người ủng hộ coi là người có khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng.

Penny Mordaunt

Penny Mordaunt

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt đã trở nên nổi bật trong cuộc bầu cử mùa hè vừa qua, trước khi dừng lại ở vị trí thứ ba sau bà Liz Truss và ông Rishi Sunak.

Người phụ nữ 49 tuổi cũng đã thoát khỏi cuộc tranh cãi xung quanh sự ra đi của cựu Thủ tướng Boris Johnson, và kể từ đó đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo của mình trong những tuần đầu đầy hỗn loạn của Thủ tướng Liz Truss.

Bà Mordaunt đã nói chuyện với Hạ viện thay mặt cho và Liz Truss về việc sa thải cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. Nhưng bản thân nữ Bộ trưởng cũng đã tách mình ra khỏi bà Liz Truss về mặt kinh tế, từng lên tiếng chỉ trích lập trường của Thủ tướng về các chính sách quan trọng như trợ cấp phúc lợi.

Boris Johnson

Boris Johnson

Mặc dù bị cách chức chỉ ba tháng trước, một số nghị sĩ đã gợi ý rằng cựu Thủ tướng Boris Johnson có thể sẽ trở lại Số 10 Phố Downing.

Cựu Bộ trưởng Văn hoá và đồng minh thân cận của ông Johnson, bà Nadine Dorries đã chia sẻ rằng ông Johnson là nghị sĩ duy nhất có “sự ủy nhiệm từ các đảng viên và công chúng Anh”, người đã giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2019.

Ông Boris Johnson trước đây nhận được nhiều sự ủng hộ cho đến khi mất uy tín trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ do bê bối xung quanh việc phá luật Covid-19 và mối liên hệ của ông với nghị sĩ Chris Pincher.

Cựu Thủ tướng Boris Johnson gần đây không nói về kế hoạch tranh cử vị trí lãnh đạo lần thứ hai, nhưng trong bài phát biểu chia tay của mình, ông ám chỉ đến sự trở lại trong tương lai với câu nói: “Hasta la vista” có nghĩa là “hẹn gặp lại sau”.

Jeremy Hunt

Jeremy Hunt

Bộ trưởng Tài chính mới của Anh Jeremy Hunt, thay thế cho cựu Bộ trưởng Kwasi Kwarteng, được coi là nhân vật quyền lực nhất trong chính phủ sau khi ông tham gia đại tu kế hoạch kinh tế của bà Truss và xoa dịu thị trường hỗn loạn. Có thể nói, người đàn ông 55 tuổi này là một lựa chọn ổn định, trước đó đã từng đảm nhiệm một số vị trí cấp cao trong chính phủ, bao gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Văn hoá. Tuy nhiên, ông Hunt được cho là đã tự rút lui khỏi các cuộc bầu cử trong tương lai. Ông Jeremy Hunt ám chỉ rằng bản thân sẽ không tham gia tranh cử, nói với Sky News: "Tôi loại bỏ khả năng đó, bà Hunt loại bỏ khả năng đó, ba đứa trẻ nhà Hunt cũng loại bỏ khả năng đó.”

Liệu sẽ có một cuộc Tổng tuyển cử?

Đảng Bảo thủ sẽ muốn tránh việc kêu gọi Tổng tuyển cử trước thời hạn năm 2025, với các cuộc thăm dò ý kiến ​​mới nhất cho thấy. Tuy nhiên, nếu các nghị sĩ Đảng Bảo thủ không thể đạt được một cuộc bỏ phiếu đồng thuận về một nhà lãnh đạo trong tương lai, thì có thể người dân nước Anh sẽ tham gia bỏ phiếu.

Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Keir Starmer hôm 20/10 đã tái kêu gọi một cuộc Tổng tuyển cử ngay lập tức, nói rằng chính phủ đã quá sa lầy trong "các cuộc tranh cãi chính trị" để lãnh đạo đất nước. Bộ trưởng thứ nhất của Scotland Nicola Sturgeon đã lặp lại những lời kêu gọi đó, gọi một cuộc tổng tuyển cử là “mệnh lệnh dân chủ”.

Theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố vào cuối tuần trước, nếu một cuộc Tổng tuyển cử được kêu gọi ngay bây giờ, Đảng Lao động sẽ đảm bảo 411 ghế so vói 137 của Đảng Bảo thủ, đánh dấu một thất bại lớn chưa từng thấy kể từ năm 1997.

Có thể bạn quan tâm