Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan đã nhấn mạnh: “Kết nối giữa mạng xã hội và thương mại điện tử phải được tách biệt để thuật toán không bị kiểm soát hoàn toàn và ngăn chặn việc sử dụng dữ liệu cá nhân cho mục đích kinh doanh.
“Một trong những điều được quy định là chính phủ chỉ cho phép sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ quảng cáo chứ không phải cho giao dịch”, thông cáo chính thức của Bộ Thương mại Indonesia lưu ý.
Điều này có nghĩa là người dùng ở Indonesia không thể mua hoặc bán sản phẩm và dịch vụ trên TikTok hay Facebook, Instagram.
Chính phủ Indonesia cũng sẽ cấm các công ty truyền thông xã hội hoạt động như một nền tảng thương mại điện tử nhằm ngăn chặn việc lạm dụng dữ liệu công cộng để kiếm lợi nhuận.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Indonesia sẽ đưa ra quy định về những loại hàng hóa nước ngoài nào có thể được bán, đồng thời áp dụng các cách thức và yêu cầu tương tự như hàng hóa nội địa. Động thái này diễn ra khi hàng hóa nước ngoài xuất hiện ngày một nhiều hơn ở Indonesia thông qua các nền tảng truyền thông xã hội.
Vào cuối tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi ban hành những quy định về truyền thông xã hội, trích dẫn tác động của nền tảng này đối với các doanh nghiệp địa phương và nền kinh tế.
“Bởi vì chúng tôi biết nó ảnh hưởng đến các MSME (Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) và cả thị trường. Có những thị trường mà doanh số bán hàng đã bắt đầu giảm do dòng sản phẩm nước ngoài từ các trang mạng xã hội đổ vào,” Tổng thống Joko Widodo nói thêm.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, các quy định của Indonesia được đặt ra để phá bỏ tham vọng thương mại điện tử của TikTok tại quốc gia này.
Theo DataReportal, Indonesia là thị trường lớn thứ hai của TikTok với 113 triệu người dùng, chỉ đứng sau Mỹ với 116,5 triệu tài khoản.
Vào tháng 6 vừa qua, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tiết lộ rằng ứng dụng này sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới: “Thương mại xã hội (social commerce) ra đời để giải quyết vấn đề thực tế cho những người bán hàng nhỏ truyền thống ở địa phương, bằng cách kết nối họ với những người sáng tạo - vốn có thể giúp thúc đẩy lưu lượng truy cập đến các cửa hàng trực tuyến”.
Gần đây nhất, khi được yêu cầu bình luận về những tin tức xoay quanh quy định mới ở Indonesia, đại diện của TikTok cho biết: “Mặc dù chúng tôi tôn trọng luật pháp và quy định của địa phương, nhưng TikTok hy vọng rằng các quy định này đã tính đến tác động của nó đối với sinh kế của hơn 6 triệu người bán và gần 7 triệu người sáng tạo liên kết sử dụng TikTok Shop”.
Trong một ghi chú từ Tập đoàn tài chính CitiGroup, các chuyên gia chỉ ra rằng động thái này của Indonesia sẽ mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh của TikTok Shop như Shopee, Lazada và cả những công ty địa phương.
“Tùy thuộc vào thời điểm triển khai và quá trình chuyển đổi, theo quan điểm của chúng tôi, bất kỳ sự gián đoạn nào mà người bán - người mua trên TikTok Shop gặp phải, đều sẽ có lợi cho Shopee và các nền tảng thương mại điện tử truyền thống khác trong những tháng tới", ghi chú của Citi lưu ý thêm.