Theo các quan chức từ liên minh phương Tây, mức trần giá do G7 đưa ra đối với xuất khẩu dầu Nga đã buộc Điện Kremlin phải tăng gánh nặng thuế đối với các nhà sản xuất địa phương.
Động thái này đã giáng một đòn mới vào ngành công nghiệp năng lượng vốn đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bước đi phản tác dụng?
Vào tháng 4/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thay đổi phương pháp đánh thuế các công ty dầu mỏ Nga bằng cách đặt ra các khoản thuế dựa trên giá chuẩn quốc tế của dầu thô Brent (trừ đi khoản chiết khấu cố định) thay vì sử dụng giá Urals - loại dầu thô xuất khẩu chính của nước này - vốn được giao dịch ở mức giá thấp hơn trong những tháng gần đây.
Động thái này được dự kiến sẽ giúp Moscow thu thêm tới 600 tỷ Rbs (8 tỷ USD) doanh thu bổ sung và lấp lỗ hổng doanh thu xuất khẩu dầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây - vốn được thực hiện nhằm mục đích cắt nguồn tài chính của Nga cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, trong bài phân tích của một quan chức G7 chia sẻ với Financial Time cho thấy, động thái điều chỉnh thuế quan của Điện Kremlin có khả năng phản tác dụng khi họ chọn cách hy sinh khả năng đầu tư dài hạn của ngành để thu hẹp khoảng cách trong tài chính của chính phủ.
“Điều đó chắc chắn sẽ huỷ hoại ngành công nghiệp hàng đầu của Nga”, vị quan chức giấu tên này nhận xét. Cụ thể, những thay đổi này sẽ cắt giảm năng lực sản xuất trong tương lai của ngành dầu mỏ Nga, lấy đi khoản vốn lẽ ra có thể được sử dụng để đầu tư vào thiết bị, khám quá và đẩy mạnh các lĩnh vực hiện có.
Trong quý 1/2023, doanh thu từ thuế dầu của Nga đã giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm mức giảm 85% đối với các sản phẩm dầu tinh chế. Trên thực tế, chính phủ Nga phụ thuộc vào những khoản doanh thu như vậy cho 45% ngân sách của mình.
“Sự thay đổi về thuế là bằng chứng rõ ràng cho thấy doanh thu của Nga đang bị ảnh hưởng đáng kể”, vị quan chức G7 nhấn mạnh.
Theo OilX, một bộ phận tư vấn của Energy Aspects, sản lượng dầu của Nga đã giảm trong tháng 4 xuống còn 10,4 triệu thùng/ngày, thực tế hoá lời đe dọa cắt giảm sản lượng trước đó của Điện Kremlin để phản ứng lại với mức giá trần của G7.
Sản lượng xuất khẩu hiện tại - chủ yếu xuất sang châu Á - là 4,7 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Và mặc dù các nước G7 tin rằng mức trần giá của họ đang hoạt động đúng như dự kiến, nhưng dữ liệu hải quan cho thấy các nhà sản xuất dầu của Nga vẫn đảm bảo mức giá cao hơn cho ít nhất một số mặt hàng xuất khẩu.
Trong một tính toán vào tháng trước của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), giá bình quân gia quyền đối với xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng vượt mức trần 60 USD/thùng trong tháng 4, với một dòng dầu thô ở vùng viễn đông được bán trong những tuần gần đây với giá lên tới 74 USD/thùng.
Dầu thô Brent được giao dịch trong tuần này ở mức giá 71,4 USD/thùng, giảm gần 30% so với một năm trước.
"Ăn cắp tương lai” để trả cho cuộc chiến hiện tại
Việc đánh thuế doanh thu dầu dựa trên mức chiết khấu từ giá dầu Brent được xem như một lời thừa nhận từ Moscow rằng dầu của Nga sẽ được giao dịch với giá thấp hơn so với thị trường thế giới trong tương lai gần.
Các quan chức G7 coi đây là một sự thay đổi lớn đối với Điện Kremlin, bời ngay cả khi kế hoạch này là nhằm mục đích đẩy mạnh doanh thu từ việc bán dầu của Nga trong thời gian ngắn, thì nó vẫn là một hệ thống thuế có thể gây bất lợi sâu sắc đối với chính phủ.
Phân tích của thành viên liên minh G7 cho thấy, trong một kịch bản giả định trong đó dầu của Nga bị đánh thuế dựa trên giá dầu Brent trừ đi mức chiết khấu cố định thay vì giá dầu Urals như trước cuộc chiến Nga - Ukraine, thì doanh thu từ dầu mỏ hàng tháng của Điện Kremlin sẽ thấp hơn từ 5 tỷ USD đến 6 tỷ USD.
Với việc thay đổi thuế, Nga sẽ phải "ăn cắp" từ tương lai của mình để trả cho cuộc chiến hiện tại.
Giới hạn giá dầu mà G7 áp dụng - đặt ở mức 60 USD/thùng - được đưa ra vào thời điểm tháng 12/2022 sau nhiều tháng đàm phán để có thể thống nhất một chiến lược nhằm hạn chế dầu của Nga chảy vào nền kinh tế toàn cầu nhưng đồng thời không được gây ra gián đoạn trên thị trường.
Các quan chức phương Tây nói rằng mức giá trần này đang đáp ứng được cả hai mục tiêu trên, theo đúng hướng đi chiến lược của G7 nhằm buộc Điện Kremlin phải đưa ra các lựa chọn về mặt kinh tế nếu tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.
Các bộ trưởng tài chính G7 và thống đốc ngân hàng trung ương trong nhóm sẽ gặp nhau tại Nhật Bản trong tuần này trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào cuối tháng. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga dự kiến sẽ là tâm điểm của các cuộc đàm phán.
Vị quan chức giấu tên của The Financial Time cho biết thêm, các thành viên của liên minh giới hạn giá dầu Nga thuộc nhóm G7 cũng sẽ tăng cường nỗ lực để chống lại các mưu mẹo tránh né từ các đối tượng, bao gồm cả việc sử dụng các hành vi lừa đảo để tiếp cận các dịch vụ của liên minh đối với dầu được giao dịch trên mức trần trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, liên minh sẽ nỗ lực giúp các nhà cung cấp dịch vụ dầu mỏ tuân thủ đúng yêu cầu thông qua các hướng dẫn phát hiện “red flag”, chẳng hạn như thao túng bản đồ theo dõi vị trí tàu hoặc không liệt kê chi phí vận chuyển, cước phí, hải quan và bảo hiểm riêng biệt với dầu mỏ…